Có rất nhiều người, rõ ràng cơ thể có rất nhiều triệu chứng bệnh lý, nhưng khi đi khám lại không tìm ra được nguyên nhân, xét nghiệm các chỉ số cũng ở trong ngưỡng bình thường. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng đây lại là trường hợp mình rất hay gặp phải ở phòng khám Chân Như, bệnh nhân đến cầm theo một xấp giấy tờ xét nghiệm, tất cả chỉ số đều bình thường, nhưng cơ thể rõ ràng lại không hề bình thường mà không biết nguyên nhân ở đâu. Thực ra thì những vấn đề này Đông y đã nói rất rõ, và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến. Hôm nay Bình sẽ nói đến một nguyên nhân rất hay gặp trên lâm sàng gây ra trường hợp trên: thấp nhiệt.
Trước khi đi vào phân tích chuyên sâu, chúng ta cần hiểu thấp nhiệt là gì. Thấp nhiệt ở đây là chỉ “thấp tà” và “nhiệt tà” kết hợp lại với nhau. Tà ở đây chúng ta hiểu đơn giản là tà khí – yếu tố gây nên bệnh lý ở đông y, trái ngược với nó là chính khí – miễn dịch của cơ thể chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích từng cái trước.
Đầu tiên nói về “thấp”, chắc chắn chúng ta đã từng một lần ở đâu đó nghe thấy nó qua các cụm từ như: viêm khớp dạng thấp, thấp khớp, phong thấp,…Nói về thấp, nó là một trong lục dâm (sáu thứ khí gây bệnh), chúng ta có thể hiểu đơn giản là khí ẩm thấp. “Thấp tà” này có thể do bệnh nhân cảm nhiễm từ bên ngoài vào cơ thể – gọi là ngoại thấp, hoặc có thể do chế độ ăn uống sinh hoạt không phù hợp gây ra – gọi là nội thấp. Còn “nhiệt tà” thì sao, cái này thì dễ rồi. Chúng ta có thể hiểu nó là một thứ khí nóng, nhiệt. Cái gì cũng vậy, hài hòa cân bằng thì tốt, thiên lệch thái quá thì sẽ không tốt. Nóng, nhiệt quá mức thì sẽ gây bệnh cho cơ thể chúng ta.
Và thấp nhiệt, chính là sự kết hợp giữa “thấp tà” và “nhiệt tà” lại với nhau. “Thấp” bản thân nó là âm tà, nó nặng nên tính chất của nó là đi xuống, cái này đông y gọi là “thấp tính xu hạ”, nó giống như hình tượng của nước vậy. Còn bản thân “nhiệt” là dương tà, giống như ngọn lửa, luôn luôn thăng phát bốc lên trên. Nay thấp và nhiệt hợp lại với nhau, bình thường thấp tà sẽ đi xuống, nay hòa lẫn với dương nhiệt nên bị dương kéo lên trên dẫn tới không đi xuống được. Dương nhiệt vốn dĩ thăng phát đi lên trên, nay gặp thấp tà kéo xuống nên cũng không thể đi lên trên được. Lúc này thấp nhiệt cứ đứng như vậy, muốn đi lên cũng không đi lên được, mà muốn đi xuống cũng không xuống được. Trường hợp này giống như khi kéo co, mỗi bên có một lực kéo không ai nhường ai.
Trên lâm sàng các bệnh lý do thấp nhiệt gây ra cực kì nhiều, hễ thấp nhiệt tích tụ ở cơ quan nào thì sẽ gây bệnh ở cơ quan ấy. Ví dụ như thấp nhiệt tích tụ ở âm bộ (bộ phận sinh dục), ở nữ thì dễ dàng sinh ra bệnh lý đới hạ, viêm phụ khoa; ở nam thì dễ tiểu tiện khó, viêm tuyến tiền liệt. Nếu thấp nhiệt tích tụ ở đại trường thì dễ gặp tình trạng đau bụng đi phân nhão sệt, thậm chí nếu tình trạng nặng có thể xuất hiện đại tiện có máu, hậu môn nóng rát. Nếu thấp nhiệt tích ở bàng quang thì dễ gây ra viêm đường tiết niệu; tích ở tứ chi thì tứ chi nặng nề; tích ở dưới da thì thành viêm da; tích ở quan tiết (khớp xương) cân mạch thì cục bộ dễ bị đau nhức, phù thũng; thấp nhiệt khốn tỳ thì dễ dàng đầy bụng, chán ăn, buồn nôn,…
Và có một đặc điểm, những bệnh lý liên quan tới thấp nhiệt thông thường điều trị khá là khó khăn, dễ dàng tái đi tái lại khó mà dứt điểm triệt để. Vậy nguyên nhân tại sao lại như vậy, chúng ta hãy cùng nhau đi sâu phân tích bệnh cơ của chứng này, từ đó có thể đưa ra pháp trị hợp lý.
Chúng ta đã hiểu, sở dĩ thấp nhiệt hình thành là do thấp tà và nhiệt tà hòa lẫn vào nhau. Vậy một câu hỏi được đặt ra là tại sao thấp tà và nhiệt tà hòa lẫn vào nhau? Đây chính là chìa khóa để hiểu được bệnh cơ và đưa ra pháp trị phù hợp. Và câu trả lời cũng rất là đơn giản: DƯƠNG KHÍ BẤT THĂNG.
Hoàng Đế Nội Kinh viết: tích dương vi thiên, tích âm vi địa. Trong cơ thể của chúng ta, dương khí cư ngụ ở bên trên, âm khí cư ngụ ở bên dưới, cái này là quy luật. Lúc này nếu như dương khí nếu ở bên dưới mà không thể thăng phát đi lên được, thì dương khí và âm khí sẽ hòa lẫn vào nhau, từ đó hòa làm thấp nhiệt. Thấp là âm tà, tính dính trệ nên sẽ trở trệ sự thăng phát của dương khí lại càng khiến bệnh tình nặng thêm, dây dưa khó khỏi.
Đọc đến đây chắc mọi người đã hiểu bệnh cơ của chứng thấp nhiệt, và từ đây có thể dễ dàng đưa ra pháp trị. Đối với chứng thấp nhiệt, tây y quy kết thành chứng viêm, và pháp điều trị cơ bản là sử dụng thuốc kháng sinh. Dùng kháng sinh chống viêm, đối với nhiệt tà (viêm nhiễm) có sự ức chế, lúc này nhiệt tà có thể hoãn, nhưng mà thấp tà vẫn tồn tại, dương khí vẫn bị trở trệ, thì dĩ nhiên không lâu sau lại tiếp tục hóa làm thấp nhiệt, và bệnh tình cứ tái đi tái lại như vậy.
Còn đối với đông y, người thầy thuốc đã hiểu được cái lý này thì điều trị lại cực kì đơn giản, chỉ cần vừa thăng dương vừa lợi thấp thì sẽ dễ dàng xử lí được. Vừa thăng dương đi lên phía trên, lại phối hợp với lợi thấp ở phía dưới, lúc này “thấp” và “nhiệt” sẽ tự động phân tách nhau ra, bệnh sẽ tự khỏi. Không hiểu được bệnh cơ và cái lý này, hễ gặp bệnh nhân thấp nhiệt, thầy thuốc cứ dùng các loại thuốc thanh nhiệt giải độc thì cực kì tai hại. Tại sao mình lại nói như vậy, bởi dùng thuốc thanh nhiệt thì nhiệt tà có thể hoãn nhưng thấp tà vẫn còn đấy, trước sau gì bệnh lý cũng sẽ quay lại. Có vài thầy thuốc lỗ mãng, nghĩ rằng dụng liều quá nhẹ, lực đạo còn chưa đủ, thế là dùng lượng cao thuốc khổ hàn, tổn thương dương khí. Dương khí đã ít, nay vì dùng thuốc sai mà tiêu hao không còn, lúc này thấp tà không thể hóa nhiệt, thế là từ nhiệt chuyển hàn, hóa thành hàn thấp. Một bệnh chưa trừ hết, một bệnh khác lại nổi lên, bệnh nhân liền sẽ cảm thấy hai chân lạnh. Dương khí khuy hư, hàn thấp nội đình, tỳ dương hao tổn. Tỳ dương hao tổn, không thể thăng thanh, lại hóa làm thấp, từ đây tạo thành một vòng luẩn quẩn u ác tính, chữa mãi mà không khỏi.
Trong cơ thể chúng ta tỳ vị cư ngụ ở trung tiêu, là đầu mối then chốt của sự thăng giáng xuất nhập. Tỳ chủ thăng, vị chủ giáng. Nếu tỳ không thăng và vị không giáng, thì bảo sao thấp nhiệt không hình thành. Thời đại bây giờ, chúng ta đa số làm công việc văn phòng trí óc nhiều, ít vận động, đã thế lại còn ăn quá nhiều, quá thừa chất so với nhu cầu của cơ thể, từ đấy cản trở sự thăng giáng của tỳ vị, thì thử hỏi làm sao mà không sinh ra thấp cho được. Đấy là còn chưa kể chúng ta còn thường xuyên uống rựa bia – thứ có sẵn thấp nhiệt.
Vậy đâu là con đường đúng đắn để loại trừ thấp nhiệt và bảo vệ sức khỏe. Đấy chính là chăm tập thể dục thể thao và ăn thanh đạm. Ăn thanh đạm thì hạn chế nguy cơ sinh ra thấp tà, cholesteron, mỡ mãu,…Tránh ngồi hoặc nằm nhiều khiến dương khí trở trệ. Thay vào đó chúng ta hãy thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, khi tập người nóng lên và mồ hôi ra sẽ khiến dương khí được thăng phát và tỳ vị được khỏe lên. Tỳ tinh mà thăng lên được thì thấp nhiệt giải tán và tiểu tiện cũng thông lợi, đây chính là lý luận muốn giáng thì trước tiên dùng phép thăng của Lý Đông Viên.
Một vài gợi ý chế độ ăn uống cho bệnh nhân bị thấp nhiệt:
-Hạn chế tối đa đồ ăn cay nóng, tránh làm “nhiệt” nặng thêm.
-Hạn chế ăn tối đa đồ ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, nhiều đàm thấp khiến thấp càng thịnh, từ đó làm bệnh nặng hơn. Một vài thực phẩm chứa nhiều đàm thấp: hải sản, tôm, cua, cá (đặc biệt là lườn cá – bụng cá), đồ tanh nhiều,…
-Hạn chế ăn hoặc uống đồ ăn lạnh, dễ khiến thấp càng tăng.
-Hạn chế ăn đồ nếp, đồ nếp có tình nóng và dẻo dính, càng khiến “thấp” nặng thêm.
-Nên ăn nhiều hạt bí đao. Hạt bí đao, đông y gọi là vị thuốc “đông qua tử”. Vị này điều trị thấp nhiệt cực hay, chuyên dùng điều trị viêm đường tiết niệu, viêm phụ khoa,…Nó vị ngọt tính mát, có thể thăng dương và lợi thấp. Riêng hạt bí đao, có thể tán bột hòa nước uống hoặc hòa cùng cháo mà ăn.
Xin được chia sẻ hai trong số nhiều y án ở phòng khám chân như về chứng thấp nhiệt:
Y án 1:
Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, Hải Phòng.
Ngày 10/3/2022 do ăn uống thất thường, BN xuất hiện triệu chứng ăn không ngon, khó tiêu, cảm giác cứ đầy hơi và ấm ách, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng và đại tiện phân nhão, sệt, dính, lúc đại tiện cảm giác nóng rát hậu môn và đau quặn bụng. Phân nặng mùi. BN còn kèm theo triệu chứng đau hạ sườn phải và đi tiểu vàng. Bệnh nhân đã dùng nhiều loại thuốc cả tây lẫn đông nhưng triệu chứng không đỡ.
Ngày 16/3/2022 bệnh nhân có nhắn tin qua zalo cho Bình, nhờ cắt thuốc. Qua các triệu chứng mô tả và nhìn lưỡi, chẩn đoán bệnh nhân bị thấp nhiệt. Do ở xa nên hướng dẫn bệnh nhân tự hòa bột sắn dây sống để uống.
Ngày 17/3 bệnh nhân nhắn tin bệnh tình đã khỏi.
Bình luận: đối với y án này, bệnh nhân rõ ràng bị thấp nhiệt, đại pháp để điều trị là thăng dương và lợi thấp. Do ở xa nên hướng dẫn bệnh nhân tự điều trị. Bột sắn dây trong đông y gọi là cát căn, vị ngọt tính bình. Cát căn có một tác dụng rất hay là có thể thăng dương khí. Dương khí được thăng, thấp và nhiệt tự nhiên phân tách ra mà bệnh khỏi.
Y án 2:
Bệnh nhân nam, 2x tuổi, Hà Nội.
Mấy hôm nay xuất hiện triệu chứng đau bụng, trướng bụng, đại tiện phân nhão. Lúc đại tiện kèm thêm triệu chứng đau quặn bụng, nóng rát hậu môn. Hỏi ra thì thời gian vừa rồi bệnh nhân có uống rượu bia nhiều và ăn đồ nướng.
Chẩn đoán: thấp nhiệt
Phương: Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang gia giảm
Cát căn 20g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 4g, Ý dĩ 10g, Sài hồ 6g.
Bệnh nhân uống hết 1 thang, tất cả triệu chứng đều biến mất.
Bình luận: đồ nướng là thứ nướng trực tiếp trên than lửa, lại đa số là thịt cá hải sản, nên rất dễ sinh ra thấp nhiệt. Rất nhiều người, sau khi đi ăn đồ nướng về rất dễ xuất hiện các triệu chứng của thấp nhiệt. Chưa kể bệnh nhân còn uống bia rượu, là thứ đồ uống có sẵn thấp nhiệt.
Pháp trị thấp nhiệt là thăng dương lợi thấp. Phương đại biểu là Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang, lấy đó làm nền để gia giảm. Trong phương cát căn vừa sinh tân vừa thăng khí của dương minh, hoàng cầm hoàng liên thanh nhiệt táo thấp, Ý dĩ lợi thấp kiện tỳ, sài hồ thăng khí của thiếu dương. Tư duy điều trị toàn phương rất rõ ràng, đúng với bệnh cơ và pháp trị, cho nên hiệu quả nhanh chóng.
______
Định viết thêm một đoạn chia sẻ thêm về cái lý trong kinh dịch và chứng thấp nhiệt này, về sự thăng giáng của âm dương và cái lý đắc vị của các quẻ, nhưng dài quá rồi vợ khuyên nên dừng để còn kịp giờ đăng bài, cái đó để bài viết khác, nên xin tạm dừng phần lý luận của chứng thấp nhiệt tại đây. Chúc cả nhà buổi sáng an lạc nhiều niềm vui.