Thực sự mà nói thì Bình chuyên khá là nhiều thứ, nhưng để mà nói thứ mà mình thích và am hiểu nhất thì đó chính là dưỡng sinh. Mình có một sở thích đấy chính là thường xuyên nghĩ linh tinh, thường xuyên nhìn những sự vật bé nhỏ diễn ra hàng ngày rồi từ đó suy luận đạo lý vận hành của vũ trụ, qua đó lại quy nạp liên hệ vào thân thể mình. Các bài viết dưỡng sinh mình viết không nhiều, chỉ những dịp đặc biệt mình mới viết bài, vì những bài viết về dưỡng sinh cần viết và liên hệ rất nhiều. Và sắp tới, ngày 22/12/2022 chính là ngày đông chí, mình sẽ phân tích một chút về tiết khí này và đạo dưỡng sinh nhân ngày đông chí – một tiết chí quan trọng bậc nhất trong năm.
Đầu tiên, trước khi đi vào ý chính chúng ta cần hiểu bản chất của bốn mùa là gì? Và qua đó hiểu được tiết Đông chí. Vì sao thời tiết của bốn mùa lại có sự khác nhau như vậy? Đó chính là do chịu sự ảnh hưởng của quá trình thăng giáng dương khí của thiên địa. Xuân sinh hạ trưởng, thu thu đông tàng. Ngũ hành vận động, xuân mộc chủ sinh, hạ hỏa chủ trưởng, thu kim chủ thu, đông thủy chủ tàng, trung thổ chủ hóa. Sinh trưởng thu tàng hóa, đi hết một vòng là được một năm. Mùa xuân dương khí thượng thăng đi lên, vạn vật sinh sôi phát triển; mùa hạ dương khí phù, vạn vật trưởng; mùa thu dương khí hạ giáng, vạn vật thu liễm; mùa đông dương khí trầm, vạn vật bước vào giai đoạn bế tàng. Và quá trình này cứ tiếp diễn mãi như vậy như một vòng tròn không có đầu mối.
Ở đây nếu chúng ta để ý sẽ thấy, có hai quá trình vận động của dương khí chính là thăng lên và giáng xuống. Hai mùa xuân hạ chủ về thăng, hai mùa thu đông chủ về giáng. Xuân hạ chủ thăng nên thời tiết ấm áp, thu đông chủ giáng nên thời tiết sẽ lạnh. Xét theo quy luật âm dương, cực âm thì sẽ sinh dương và ngược lại, cực dương sẽ sinh âm. Xuân hạ dương khí thượng thăng đi lên, thăng đến cùng cực (tiết Hạ chí) thì phải giáng xuống, lúc này thời tiết chuyển từ xuân hạ sang thu đông. Giáng xuống đến cùng cực (tiết đông chí) thì phải thăng lên.
Tiết đông chí là một tiết khí cực kì quan trọng. Hãy thử phân tích hai từ đông chí một chút để hiểu được ý nghĩa của tiết khí này. Đông nghĩa là mùa đông, chí là cùng cực. Đông chí nghĩa là thời điểm dương khí trầm giáng xuống cùng cực. Đạo lý thiên địa, vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến, âm cực thì dương sinh, âm khí giáng xuống cùng cực thì sẽ phải thăng lên, và dương khí được sinh ra. Khí này người ta hay gọi là khí nhất dương, chính vì vậy mà tiết đông chí là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao của âm dương, cực âm sinh dương, khí nhất dương bắt đầu được sinh ra.
Thiên nhân hợp nhất, cơ thể của chúng ta là một tiểu vũ trụ, luôn luôn có sự tương ứng với đại vũ trụ bên ngoài. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng, ngoài thiên nhiên vũ trụ thế nào thì trong cơ thể chúng ta cũng y như vậy. Vào mùa đông, dương khí trong cơ thể cũng trầm giáng, và đến thời điểm đông chí, dương trầm giáng cùng cực lại chuẩn bị thăng lên.
Và ở đây, một điểm hết sức hết sức quan trọng chúng ta cần phải lưu ý, đấy chính là bởi vì nguyên nhân do dương khí trầm giáng xuống mặt đất nên thời tiết mới có thể chuyển lạnh, và khi dương có thể trầm giáng xuống được, thì sang năm xuân hạ dương khí mới có thể thăng lên. Nếu như mùa đông năm nay dương khí không thể trầm giáng hoặc trầm giáng ít, sang năm xuân hạ dương khí sẽ rất khó thăng phù đi lên. Xét trong góc độ trồng trọt, những năm dương khí không thể trầm giáng thì năm sau dễ bị mất mùa, lúa cũng ít hạt, còn xét trên góc độ y học thì năm ấy cũng sẽ có nhiều bệnh lý hư hàn (dương hư) hơn. Và đặc biệt là thời điểm đông chí, là thời điểm dương trầm giáng tới cùng cực thì thời tiết phải rất lạnh. Nhìn thấy thời tiết càng lạnh bao nhiêu, hoặc ở các nước ở phương Bắc thấy tuyết lớn bao nhiêu, thì chúng ta sẽ biết được dương khí trầm giáng sâu bấy nhiêu. Giả sử lúc này đông chí mà trời ấm không lạnh, hoặc thấy tiếng sấm, hoặc có sương mù, đấy chính là tượng của dương khí không bế tàng được mà tiết ra ngoài, lúc này những người nào mà thể trạng thượng nhiệt hạ hàn rất dễ bị bệnh nặng; và sang mùa xuân hạ năm sau cũng sẽ nhiều bệnh hơn.
Đó chính là nói về đặc điểm của tiết Đông chí. Thực ra thì nó còn nhiều cái khác nữa, nhưng lượng kiến thức rất nhiều nên mình không thể nói hết trong một bài viết được, ở đây mình chỉ nói cái bản chất cốt lõi. Và đến đây, mọi người nhỡ cho mình hai đặc điểm để có thể ứng dụng vào dưỡng sinh, một là dương khí không nên ngoại tiết, và hai là thời điểm cực âm sinh dương – khí nhất dương được sinh ra.
Về dưỡng sinh, điểm thứ nhứ nhất rất dễ lý giải. Làm cách nào để dương khí không ngoại tiết? Chính là phải bế tàng. Mùa đông vạn vật bế tàng, chúng ta không nên làm nhiễu loạn dương khí, nên ngủ sớm dậy muộn, tránh tình trạng thức khuya online khiến dương khí không bế tàng được mà bốc lên. Ngoài ra cần phải tránh lạnh tìm ấm, tránh ăn mặc hở hang khiến dương khí thoát ra ngoài bì phu để chống lại hàn tà một cách không cần thiết, khiến chân khí bị hao tổn. Ngoài ra đã bế tàng rồi thì cũng hạn chế việc quan hệ vợ chồng. Nếu mọi người để ý, những người sức khỏe kém thì mùa này sau mỗi lần quan hệ thì có thể khiến tay chân lạnh hơn bình thường mất cả tuần. Nên chúng ta cần hết sức lưu ý. Đây chính là đạo lý dưỡng tạng mà Hoàng Đế Nội Kinh nói đến. Nếu làm trái những điều trên, mùa đông dương khí không thể bế tàng được thì sang năm chắc chắn sức khỏe sẽ kém đi, đến mùa mùa xuân hạ rất dễ mắc nhiều bệnh lý khác, ví dụ như dễ cảm cúm hơn, dễ dị ứng hơn, dễ mắc các chứng “nuy quyết”,…
Về điểm thứ hai, đông chí là thời điểm cực âm sinh dương, khí nhất dương được sinh ra. Lúc này dương khí còn rất yếu, chính vì vậy mà chúng ta cần phải biết cách mà bồi dưỡng cái dương khí còn non yếu này, để sau này cơ thể của mình có thể đầy đủ dương khí mà khoẻ mạnh. Nếu trường hợp khí nhất dương sinh ra, chúng ta không biết cách bồi bổ cho nó lớn lên mà tiêu hao nó đi, thì chắc chắn cơ thể chúng ta ngày một yếu đi, tuổi thọ cũng bị suy giảm.
Để dễ hiểu hơn thì chúng ta hãy xét một ngày là bốn mùa, lúc này thời điểm ban đêm tương ứng với mùa đông, sáng sớm tương ứng với xuân hạ. Lúc này thời điểm chúng ta ngủ vào ban đêm cũng chính là lúc dương khí được bế tàng lại (vì cơ thể nghỉ ngơi không hoạt động gì nên tiêu hao rất ít), và đến 0h thì cực âm sinh dương, khí nhất dương được sinh ra. Nếu như mà giả sử giờ giấc sinh hoạt ngủ nghỉ bình thường thì không sao, nhưng nếu như hôm nào chúng ta bị không ngủ một đêm mà hoạt động (dương không bế tàng được), thời điểm cực âm 0h sáng cực âm sinh dương, khí nhất dương sinh ra, mà chúng ta cứ thức hoạt động thì sao mà “cực âm” được, vì âm là tĩnh cơ mà, thì dĩ nhiên khí nhất dương sinh ra cũng gặp sự cản trở. Và lúc này sẽ có hệ quả là gì? Chính là sáng hôm sau chúng ta sẽ thấy cơ thể sẽ rất mệt. Người xưa vẫn nói “mất ăn không bằng mất ngủ”, chính là chỉ trạng thái mệt mỏi này. Xét một ngày chúng ta đã thấy ngay hậu quả, nếu suy rộng ra một năm cũng tương tự như vậy, mùa đông dương khí không bế tàng được, khí nhất dương sinh ra không đủ, âm không bình dương không mật, thì chắc chắn sang năm sau chúng ta rất dễ bị bệnh. Lúc này chúng ta cứ hay thắc mắc sao cơ thể mình cứ vào phòng điều hoà là lại hắt xì liên tục; sao mình bị cảm cúm liên tục; sao mùa hè bụng dạ mình yếu vậy, ăn gì cũng dễ bị đau và đi ngoài ngay,…Thực ra cái gì cũng có lí do của nó cả, chả qua chúng ta không có để ý mà thôi.
Vậy, muốn nuôi dưỡng khí nhất dương này chúng ta cần làm gì. Bài viết này Bình sẽ hướng dẫn cho mọi người hai phương pháp đơn giản để nuôi dưỡng nó. Nguyên tắc của phương pháp này là gì? Chính là bồi bổ thêm dương khí từ bên ngoài vào đễ hỗ trợ cho cái dương khí còn non yếu này.
Phương pháp thứ nhất, chúng ta có thể dùng điếu ngải đông y để cứu vào các huyệt Quan Nguyên, Thần Khuyết, Khí Hải, Mệnh Môn,…Phương pháp này hay, hiệu quả mà không tốn kém, chỉ hơi mất thời gian một chút và cần sự kiên nhẫn, vì mỗi lần cứu thời gian khá lâu. Phương pháp này mình đã nói rất nhiều và nói rõ ở các bài viết trước đây, mọi người có thể vào facebook mình tìm đọc lại nhé.
Còn phương pháp thứ hai là gì? Nếu mọi người không thích cứu ngải thì có thể dùng thuốc, trên nền các bài thuốc bồ dương khí của đông y mà ứng dụng. Bài thuốc mình khuyến khích dùng là Bát Vị Hoàn. Đây là một bài thuốc rất hay, mình thường xuyên ứng dụng trên lâm sàng, và mình cũng đã có 1 bài viết phân tích về Bát vị hoàn, mọi người có thể tìm để đọc lại. Nếu muốn bồi bổ cho chân dương, thì đừng bao giờ quên bài thuốc này. Y tổ của Việt Nam mình là ngài Hải Thượng Lãn Ông tôn xưng hai bài Lục Vị và Bát Vị là hai bài thuốc thánh để bổ vào tiên thiên thuỷ hoả, một bài bổ chân âm, một bài bổ chân dương, ngài ứng dụng hai bài này mà chữa được bách bệnh, và từ đó làm nên tên tuổi của ngài. Qua đó mọi người có thể thấy sự lợi hại của Bát Vị Hoàn. Nếu trong thời điểm trước và sau đông chí 1 tháng mà có thể bồi bổ được chân dương, thì thực sự hiệu quả tăng gấp bội. Đây là thời điểm vàng để bồi bổ dương khí cho những người bị dương hư. Mọi người lưu ý đừng bỏ lỡ nhé.
Một điều lưu ý quan trọng, mọi người dùng thuốc cần dùng loại thuốc bào chế từ dược liệu chất lượng để đảm bảo hiệu quả, không nên dùng thuốc được bào chế từ dược liệu kém chất lượng. Bây giờ trên thị trường những dược liệu kém chất lượng ấy rất nhiều. Một phút để quảng cáo là nếu mọi người chưa biết mua thuốc ở đâu chất lượng thì đừng quên Phòng Khám Chân Như nhé, thuốc xịn đến từng centimet, đến đồng nghiệp dùng rồi cũng chỉ có thích. Bên phòng khám cũng có sẵn Bát Vị Hoàn, đã được gia giảm thêm. Cái khác Bát Vị Hoàn của phòng khám Chân Như so với nơi khác là đã được Bình gia giảm thêm, công dụng vừa có thể bồi bổ được chân dương, tiên thiên chi hỏa, mà lại vừa có thể dẫn được cái hư dương thượng vượt về mà không lo dương khí ngoại tiết bốc lên, đúng là một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa hợp với đạo lý dưỡng sinh tiết đông chí luôn.
Ngoài ra một điểm lưu ý nữa, thuốc thang là một phần, bên cạnh đó chúng ta cũng hãy thường xuyên giữ tâm tĩnh lặng vô vi, không quá tham luyến dục vọng ngoại vật bên ngoài thì chắc chắn sẽ khiến cho chân khí có thể nội thủ mà không dễ gì ngoại tiết ra. Nếu chúng ta làm được mấy điểm này, chính là đang dưỡng sinh theo đúng tinh thần của Nội Kinh, thuận theo đúng với đạo dưỡng sinh của bậc thánh nhân xưa. Vừa đi theo đúng gốc rễ của âm dương, và cũng cùng với vạn vật chìm nổi theo cánh cửa của việc sinh tử.
Đôi điều chia sẻ tới mọi người. Chúc mọi người thường xuyên khỏe mạnh, thân tâm thường an lạc.