Trong (Trung Quốc Phương Tễ Đại Từ Điển) có viết: các phương dược lấy Ôn Đởm Thang làm tên gọi chung nhưng có thành phần dược vật khác nhau, tất cả có 13 bài, được ghi chép trong 11 bộ sách. Theo khảo cứu, Ôn Đởm Thang được ghi chép sớm nhất trong cuốn (Tập Nghiệm Phương) của danh y Diêu Tăng Viên thời Nam Bắc triều. Về sau nó được Tôn Tư Mạc thu nạp vào (Thiên Dực Phương. Quyển Thập Nhị. Đởm Hư Hàn Môn): “Trị đại bệnh hậu, hư phiền bất đắc miên, thử đởm hàn dã. Nghi ôn đởm phương. Sinh Khương 4 lượng, Bán Hạ 2 lượng (tẩy), Quất Bì 3 lượng, Trúc Nhự 2 lượng, Chỉ Thực 2 lượng (chích), Chích Cam Thảo 1 lượng…”
Sau đó, Ôn Đởm Thang được Vương Thao viết trong cuốn (Ngoại Đài Mật Yếu. Quyển Thập Thất. Bệnh Hậu Bất Đắc Miên Môn) cũng có thành phần dược vật, pháp dùng, chủ trị giống y như trong (Thiên Dực Phương), duy được viết rõ: trích (Tập Nghiệm. Quyển Ngũ). Đến thời Tống, khi biên soạn cuốn (Tam Nhân Phương), Trần Vô Trạch đã thêm 2 vị Phục Linh, Đại Táo vào phương dược này, và được lưu truyền đến tận bây giờ. Tuy nhiên, trên lâm sàng hiện nay, thông thường không ai gia thêm vị Đại táo nữa.
Từ thành phần dược vật chúng ta thấy, đây là phương dược thanh nhiệt hoá đàm, hoà can đởm, trừ hư phiền, định kinh quý, có tác dụng “Thanh” chứ không “Ôn”, vậy tại sao không gọi nó là “Thanh Đởm Thang”, mà lại gọi “Ôn Đởm Thang”? Theo Trung y, can là cương tạng, ưa điều đạt mà kỵ uất kết, đởm ưa ninh tịnh mà sợ phiền nhiễu. Đởm phủ và can tạng tương vi biểu lý, lấy sơ thông điều đạt làm bình; cổ nhân ví can đởm chi khí là khí xuân sinh, nên Ôn hoà thì Đởm khí mới có thể điều đạt. Nếu đàm nhiệt tà khí phạm can đởm, làm can đởm mất đi tính ôn hoà thì ắt sẽ sinh bệnh. Muốn bình âm dương, ắt phải khứ đàm nhiệt, đàm nhiệt hết thì đởm khí ắt tự hoà mà ôn, do đó mới gọi là “Ôn Đởm Thang”.
Về bệnh nhân bệnh cơ:
- Thất tình: nóng giận, uất ức, suy nghĩ bế tắc,…đều ảnh hưởng đến can đởm, làm khí cơ bất lợi, mộc khí uất thì thổ khí bất đạt, thổ khí bất đạt ắt sinh đàm thấp. Khí uất lâu ngày hoá nhiệt, đàm nhiệt phiền nhiễu can đởm mà thành bệnh.
- Nội thương: ăn uống cao lương mỹ vị, rượu chè quá chén, lười lao động, ưa hưởng thụ, làm cơ thể tích đàm ẩm, lâu ngày hoá nhiệt, nội phạm can đởm mà ra.
- Ngoại tà: cảm thụ thấp nhiệt, thử thấp, sau đại bệnh mà đàm ẩm chưa tiêu, dư nhiệt vẫn còn, đàm nhiệt nhiễu loạn can đởm gây bệnh.
Nên đàm ung khí uất, can đởm mất sơ tiết thông lợi, lâu ngày hoá nhiệt, sinh hoả, làm cho “Đàm”, “Hoả”, “Khí” đều uất kết mà thành chứng “Ôn Đởm Thang”.
Về chủ trị bệnh chứng: sách (Y Tông Kim Giám) viết: “热呕吐苦,虚烦,惊悸不眠,痰气上逆” -“nhiệt ẩu thổ khổ, hư phiền, kinh quý bất miên, đàm khí thượng nghịch”. Có thể nói, Ôn Đởm Thang chủ trị nhiều chứng, nếu biết vận dụng luận trị, công hiệu như thần. Khi luận về vấn đề này, giáo sư Vương Hồng Đồ (王洪图) cho rằng, trên lâm sàng bất luận là bệnh gì, nếu hội đủ 2 tổ hợp triệu chứng sau là có thể dùng Ôn Đởm Thang, ai cũng có thể thử vận dụng để lĩnh hội, đó là:
- Triệu chứng thần kinh: kinh sợ, lo lắng, phiền nhiễu, thiếu quyết đoán, hay quên, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt,…
- Triệu chứng hệ tiêu hoá: chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng khó chịu, đại tiện không điều (lúc táo, lúc nát),…, lưỡi đỏ hoặc giáng, có vết răng, rêu trắng hoặc vàng, ướt, mạch huyền hoạt hoặc sác.
Về kinh nghiệm gia giảm, sử dụng trên lâm sàng: Do đàm ẩm là bách bệnh chi mẫu, lại thác tạp thêm hoả tà, làm thiếu dương khí cơ bất lợi, thăng giáng xuất nhập thất thường, nên triệu chứng lâm sàng vô cùng biến hoá.
Tuân theo tông chỉ: “运气不齐, 古今异轨, 古方新病, 不相能也” của Trương Nguyên Tố (thời đại, khí hậu, thể chất con người, xã hội thay đổi, cổ kim khác nhau, phương cũ bệnh mới, không thể phù hợp, không nên cổ hủ, cố chấp theo tiên hiền mà thủ phương như cũ), giáo sư Vương Hồng Đồ thường gia thêm 2 vị thuốc là: Sài Hồ 8g, Hoàng Cầm 12g mà thành Sài Cầm Ôn Đởm Thang. Không giới hạn chỉ là một phương thuốc điều khí can đởm, thanh nhiệt hoá đàm, (Sài Cầm) Ôn Đởm Thang được Vương tiên sinh biến hoá, sử dụng vô cùng linh hoạt, ứng dụng tại nhiều khoa bệnh trong y học cổ truyền, thu được những kết quả trị liệu vô cùng tuyệt diệu.
- Nếu mất ngủ: Sài Cầm Ôn Đởm Thang nguyên phương chủ trị. Theo quan sát lâm sàng, kể cả không cần biện chứng luận trị, thì cũng đã có trên nửa số bệnh nhân dùng phương dược này có hiệu quả.
- Tâm phiền khó chịu, hợp phương Chi Tử Đậu Xị thang.
- Lo sợ, mất ngủ, mộng nhiều, gia Long Cốt, Mẫu Lệ.
- Đau đầu gia Xuyên Khung, Bạch Chỉ.
- Rụng tóc theo mảng: gia Đào Nhân, Hồng Hoa, Xuyên Khung, dùng sau 15 ngày, nếu xuất hiện tóc tơ mọc, thì đổi dùng thuốc bổ huyết, ví như Tứ Vật Thang làm chủ, hoặc Sài Cầm Ôn Đởm thang gia Đương Quy, Sinh Địa, Tang Thầm, sau 10 ngày tóc sẽ chuyển đen.
- Uất ức, phiền uất nhiều: nguyên phương gia Uất kim, Hương phụ, Phật thủ.
- Liệt dương: nguyên phương gia Bạch thược, Ngô công.
- Polyp túi mật: gia Ô Mai, Hạ Khô Thảo.
- Phụ nữ tiền mãn kinh: bỏ Sài hồ, gia Thanh Hao (lấy ý bài Hao Cầm Thanh Đởm Thang), Nữ Trinh Tử, Hạn Liên Thảo tư bổ thận âm,… Thông thường chứng tiền mãn kinh bản hư tiêu thực, nên cần chú ý tiêu bản đồng trị.
- Động kinh: nguyên phương gia lượng Bán Hạ 18~20g, gia Đào Nhân, Hồng Hoa. Phương này là của Lưu Độ Châu tiên sinh biến giải, hay dùng. Nhưng lâm sàng sử dụng lực thuốc không bằng các bài điều lý tỳ vị, hoá đàm khai khiếu.
- Chứng tăng động, co giật ở trẻ em: có thể dùng nguyên phương gia Câu Đằng, Linh Dương Giác, sao Chi Tử, Cúc Hoa,…thanh can bình can, tức phong.
- Đêm nằm kinh hô: “Can tại thanh vi hô”, can đởm tương vi biểu lý, can bệnh trị đởm, gia Đương Quy, Bạch Thược, Long Cốt, Mẫu Lệ,…, dưỡng can huyết, định can hồn, sẽ cho hiệu quả điều trị không ngờ.