Vào thời cổ đại, có người hỏi Biển Thước rằng: “Y thuật của ai cao minh?”. Biển Thước trả lời: “Anh tôi”. Người đó thắc mắc: “Vậy sao ngài vang danh thiên hạ, còn anh ngài thì chẳng ai biết đến?”.
Biển Thước đáp: “Anh tôi vừa nhìn thấy khí sắc của người ta đã biết ngay phải dùng cách gì để điều dưỡng cho họ, nên họ không mắc bệnh. Còn tôi phải đợi đến khi người ta mắc bệnh thật mới kê toa điều trị. Tôi chữa khỏi cho người bị bệnh, nên mọi người nghĩ tôi có tài cải tử hoàn sinh. Còn anh tôi chữa cho người ta không mắc bệnh, nên những người biết anh tôi đều khỏe mạnh, trường thọ”. Đây cũng chính là tinh hoa và bản chất của Trung y.
Con người hơn hẳn mọi loài động vật khác ở khả năng tư duy. Nhưng nếu không tự khống chế được tình cảm và dục vọng của mình, khả năng đó sẽ dẫn đến các thay đổi xấu về tâm sinh lý, lâu dần khiến con người mắc bệnh.
Những biến đổi về tâm lý cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của kinh lạc – hệ thống điều tiết quan trọng nhất trong cơ thể con người. Đó là lý do tại sao suốt mấy ngàn năm qua, các hòa thượng, đạo sĩ luôn chú trọng đến việc tu dưỡng tinh thần để có một cơ thể khỏe mạnh và trường thọ.
Ngày nay, nhiều người bắt đầu xem trọng thuật dưỡng sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số người cho rằng chỉ cần mua vài quyển sách, học vài huyệt vị, biết vài kinh lạc, vươn tay gập lưng, uống ít thuốc bổ là có thể khỏe mạnh, trường thọ. Thực ra, đó chưa phải là dưỡng sinh. Mấu chốt của việc học kinh lạc là để mỗi người thay đổi quan niệm về sức khoẻ và thực hành dưỡng sinh ngay trong những hoạt động hàng ngày của mình như ăn, ở, mặc, đi lại… Theo Y sư Thái Hồng Quang – chủ tịch Hội Nghiên cứu sức khoẻ kinh lạc quốc tế Hồng Kông: “Mọi việc trên đời đều bắt nguồn từ sự thay đổi quan niệm”.
1. Giác ngộ là mấu chốt của kinh lạc
Tại sao trong pháp danh của Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh – ba đệ tử của Đường Tăng – đều có chữ “ngộ”? “Ngộ” nghĩa là có thể nhìn thấu bản chất bên trong của sự vật. Chúng ta biết, kinh lạc phân bố trong những khe hở giữa các mô tế bào nên nếu không có ngộ tính, ta sẽ khó nhận ra kinh lạc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ và tuổi thọ con người.
Một câu chuyên ngụ ngôn kể rằng: Thượng Đế nói với mục sư: “Vì con đã dốc lòng rao giảng cho ta, nên khi con gặp nạn, ta sẽ cứu con ba lần”. Môt ngày nọ, mục sư gặp nạn thật, ông bị vướng giữa dòng nước lũ. Khi nước ngập đến lưng, có một chiếc thuyền nhỏ đi ngang qua, người trên thuyền muốn kéo ông lên, nhưng ông nói: “Không cần đâu, Thượng Đế sẽ đến cứu tôi”.
Lát sau, nước dâng đến ngực, có một chiếc thuyền lớn chạy ngang qua, người trên thuyền nói: “Lên đây nào.” Nhưng ông đáp: “Không cần đâu, Thượng Đế sẽ đến cứu tôi”. Đến khi nước dâng đến mũi thì có một chiếc trực thăng bay ngang qua và thả thang dây xuống, tuy rất muốn cầm lấy nó, nhưng ông lại nghĩ: “Dù sao Thượng Đế cũng sẽ đến cứu ta”. Rốt cuộc vị mục sư chết đuối trong dòng nước lũ. Linh hồn ông bay đến gặp Thượng Đế và hỏi rằng: “Tại sao Người không giữ lời hứa?” Thượng Đế trả lời: “Vì giữ lời hứa nên ta đã đến cứu con ba lần, nhưng con không nhận ra ta và cũng không hiểu rằng, lúc bấy giờ việc thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm mới là điều quan trọng nhất”.
Dựa vào trình độ giác ngộ, Lão Tử chia con người thành ba loại: “Khi nghe lẽ đạo xong, bậc cao minh sẽ làm theo; người bình thường thì nửa quên nửa nhớ; còn kẻ ngu xuẩn liền cười nhạo”.
Đối với kinh lạc, người có ngộ tính cao, một khi nhận ra chân lý sẽ tuân thủ chặt chẽ, do đó suốt đời không bị bệnh tật. Người có ngộ tính trung bình không hiểu rõ chân lý, nên hay nhầm lẫn. Còn kẻ có ngộ tính kém cỏi, kiến thức nông cạn, thậm chí không hiểu kinh lạc là gì, thì chê bai.
2. Kinh lạc là niềm tin
Tây Du Ký, một trong 4 tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học cổ điển Trung Hoa, sợi dây xuyên suốt cả bộ tiểu thuyết chính là niềm tin kiên định của Đường Tăng. Rõ ràng, chỉ cần Đường Tăng mất đi niềm tin thì hành trình thỉnh kinh cũng kết thúc ngay lập tức bởi trên đường đi có quá nhiều gian nan, cám dỗ. Trong thực tế, nếu không có niềm tin vững chắc, bạn sẽ khó lòng thấu hiểu và ứng dụng được kinh lạc vào cuộc sống. Nói cách khác, giữ vững niềm tin là chìa khóa của sức khoẻ và trường thọ.
Có một phụ nữ sau khi biết mình bị bệnh ung thư vú đã rất chán nản, không ăn không uống, chỉ nằm trên giường chờ chết. Một hôm, đứa con gái 3 tuổi của cô đến bên giường mẹ vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói và lạnh lắm”. Người mẹ nghe xong, quay sang nhìn đứa con gái của mình và nghĩ: “Nếu mình chết đi, chẳng phải con mình sẽ rất khổ sao? Nhất định mình phải sống để nuôi dưỡng con gái thành người!”. Với niềm tin kiên định này, cô sống lạc quan hơn, căn bệnh của cô cũng có chuyển biến tốt. Cuối cùng, cô đã chiến thắng được bệnh tật. Điều này cho thấy vai trò của việc giữ vững niềm tin.
Tóm lại, nếu muốn phát huy tối đa tiềm năng của kinh lạc thì bạn phải tuyệt đối tin tưởng rằng kinh lạc sẽ giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu.
3. Kinh lạc là duyên phận
Duyên phận luôn tồn tại trong cuộc sống. Đôi khi, những điều thật tình cờ nhưng lại thay đổi cả cuộc đời bạn. Nếu bạn có duyên, hiểu được nó và thực hành, thì nó sẽ giúp bạn thay đổi sức khoẻ cả đời của mình.
Người xưa có câu: “Trước 40 tuổi, con người lấn bệnh tật. Sau 40 tuổi, bệnh tật lấn con người”. Nhiều người đợi đến khi đã già mới lo giữ gìn sức khỏe thì đã muộn. Càng nắm bắt sớm các phương pháp điều dưỡng cơ thể, con người càng khỏe mạnh và sống lâu. Nhận thức về kinh lạc là một trong các phương pháp ấy.
4. Kinh lạc là sự kiên trì
Tương truyền, vào giữa đời Đường, chữ “nhất” trên tấm biển “Thiên hạ đệ nhất quan” ở Sơn Hải Quan bỗng nhiên rơi xuống. Nhà vua bèn yêu cầu các học sĩ trong cả nước viết lại chữ “nhất” nhưng không có ai viết thật giống. Cuối cùng, vua đành hạ chiếu trưng cầu chữ “nhất” trong thiên hạ, may mắn có một người viết được chữ “nhất” giống ban đầu.
Vua liền triệu kiến người ấy, hóa ra đó là một tiểu nhị không biết chữ. Vua rất tức giận, lệnh cho tiểu nhị viết lại chữ “nhất” trước mặt mọi người, nếu có sự gian dối thì phải chịu tội chết. Tiểu nhị bèn nhúng chiếc giẻ lau trên vai vào mực, vung tay một cái, chữ “nhất” hiện ra y như đúc.
Thì ra tiểu nhị này làm thuê cho một tửu điếm dưới chân Sơn Hải Quan, một hôm có vị cao nhân nói với anh ta rằng: “Mưa gió sắp làm rơi chữ “nhất” trên tấm biển “Thiên hạ đệ nhất quan”. Mỗi ngày khi lau bàn, ngươi hãy chăm chỉ bắt chước chữ “nhất” đó, chắc chắn ngày sau nó sẽ giúp ngươi vượt trội hơn người”. Từ đó, ngày nào anh ta cũng chăm chỉ luyện chữ “nhất”.
Quả thật, công sức không phụ người có chí. Rèn luyện kinh lạc cũng vậy. Vấn đề là bạn có quyết tâm và kiên trì hay không. Có thể nói, điều quan trọng nhất trong đời người chính là sức khoẻ; mất sức khoẻ là mất tất cả.
Sống khoan dung, lương thiện, cởi mở cũng là một cách điều dưỡng kinh lạc. Tục ngữ có câu: “Người làm việc ác như đá mài dao, trước sau cũng bị hao mòn; người làm việc thiện như cây cỏ trong vườn, sớm muộn rồi sẽ cao lớn”. Trên núi Phổ Đà cũng có một câu thơ viết:
Sự thể rối ren, biết buông là giải thoát;
Lòng người khoáng đạt, khoan dung mới gọi cát tường.
Chiều sâu của dưỡng sinh không chỉ dừng lại ở động tác thể chất mà cần phải biết dưỡng tâm. Vượt khỏi nhận thức về Kinh lạc lại chính là khí công, một phương pháp toàn diện nhất “tu Tâm lẫn thân”.
Theo “Dưỡng sinh thông kinh lạc”