Thuốc không phân đắt rẻ, thuốc đúng với chứng chính là thuốc tốt nhất.
Khi chúng ta thực sự tìm hiểu sâu về thuốc, thực sự đi vào thế giới của “dược” sẽ phát hiện ra, xung quanh chúng ta có rất nhiều thứ với tay ra là có thể biến thành dược liệu. Chỉ là chúng ta dùng đúng, là có thể biến thứ vô dụng thành hữu dụng.
Vài tháng trước, vào một buổi tối, có một bà cụ tới tìm tôi, tự kể rằng cực kỳ chóng mặt. Kiểm tra thấy huyết áp hơi cao, mạch tượng hai bên đều có xu hướng nổi lên trên, có nghĩa là khí huyết cùng đi ở bên trên. Nếu như tâm tư bệnh nhân có điều lo lắng gấp gáp, huyết áp tiếp tục tăng cao, rất có thể xuất hiện xuất huyết não. Bệnh cơ của bệnh nhân là phần âm ở Hạ tiêu không đủ, không thể hàm dương, hư dương vượt lên. Lúc đó đã là hơn 11h đêm, kê thuốc bắc sắc uống thì không kịp, mà thuốc hạ áp thì bệnh nhân hàng ngày vẫn uống đều đặn. Cho nên yêu cầu bệnh nhân đi về nhà, lấy tỏi đem giã nát, dán vào huyệt Dũng Tuyền hai bên, dán như vậy khoảng 1h.
Ngày thứ hai bệnh nhân quay lại cảm ơn. Bà nói với tôi, đêm qua dán được 15 phút, thì tự nhiên cảm thấy đầu óc tỉnh táo, chân có lực hơn. Dán khoảng 1h, không thấy chóng mặt nữa, không nỡ tháo ra, cứ thế đi ngủ. Sáng hôm sau dậy, cảm giác bệnh rõ ràng tốt lên rồi, nhưng lòng bàn chân xuất hiện nốt phỏng. Bà rất ngạc nhiên, không ngờ rằng tỏi còn có tác dụng tốt như vậy.
Tôi xử lý cho bà nốt bỏng dưới chân, sau đó xem mạch, phát hiện mạch xích hai bệnh tuy không mạnh mẽ, nhưng đã có gốc, xu hướng mạch tượng nổi lên đã mất đi.
Gợi ý cho hành trình: Thế nào là hiện tượng mạch nổi lên trên? Ở phía sau khi giảng về xem mạch sẽ nói rõ hơn.
Tôi bàn về ví dụ này chỉ là muốn làm rõ, cần phải chú trọng đến từng cái cây ngọn cỏ, từng bông hoa cái lá có trong cuộc sống quanh mình, chúng đều có những đặc tính riêng của mình, sử dụng nó cho đúng đều có thể dùng để chữa bệnh, giống như các cao thủ võ lâm trong tiểu thuyết võ hiệp, hái hoa vặt lá đều có thể giết người. Rèn luyện tới một giới hạn nhất định, cũng có thể hái hoa vặt lá để cứu người một cách đơn giản. Câu chuyện danh y Diệp Thiên Sĩ dùng 3 lá Ngô Đồng để cứu hai mạng người là một ví dụ chứng minh cho điều này.
Vào thời Càn Long triều nhà Thanh, Danh y Diệp Thiên Sĩ vùng Giang Nam đang ở nhà xem sách viết bệnh án, thì tự nhiên nghe có người đến mời đi cứu một sản phụ khó sinh, Diệp Thiên Sĩ không hề đắn đo, liền lập tức lên đường, trên đường đi nghe người nhà kể lại đã từng mời một thầy thuốc nổi tiếng về Ôn bệnh cùng môn phái là Tiết Sinh Bạch[1] tới khám, nhưng vẫn chưa sinh được. Tiết Sinh Bạch là một thầy thuốc đồng hương với Diệp Thiên Sĩ, xét y thuật thì cùng với Diệp Thiên Sĩ đều nổi tiếng khắp vùng Giang Nam, chỉ là càng trẻ tuổi hơn mà thôi. Diệp Thiên Sĩ cực kỳ băn khoăn, kỹ năng khám bệnh của Tiết Sinh Bạch rất khá, tại sao lại không có tác dụng?
Diệp Thiên Sĩ tới nhà bệnh nhân, thấy sản phụ chỉ còn thở thoi thóp, người nhà kể lại, Tiết Sinh Bạch khám xong chẩn đoán là sản phụ Khí Huyết lưỡng hư, không có sức để sinh con, khí huyết trì trệ, xương mu không mở được. Kê thuốc lấy pháp là khí huyết song bổ, hành trệ hoạt huyết thúc sinh hạ thai làm chủ. Diệp Thiên Sĩ cầm đơn thuốc, vừa nhìn đã thấy đơn này rất tốt, nhưng tại sao lại không chữa được bệnh của bệnh nhân. Bởi vì thiếu đi thuốc đồng khí, làm thế nào để làm cho thuốc có thể đến được nơi bị bệnh? Lúc đấy đang mùa thu, ngoài cửa sổ lá Ngô Đồng đang rụng, Diệp Thiên Sĩ như chợt ngộ ra, liền sửa thuốc trong nguyên phương từ “Trúc Diệp 3 lá” thành “Đồng Diệp 3 lá”, sản phụ theo đơn này uống thuốc, không ngoài dự đoán của Diệp Thiên Sĩ, không lâu sau thật thần kỳ là sản phụ sinh được, hai mẹ con đều bình an.
Câu chuyện này truyền tới tai Tiết Sinh Bạch, Tiết không tin vào chuyện này, cho rằng Diệp Thiên Sĩ chỉ là vô tình mà nổi tiếng. Diệp Thiên Sĩ nghe được, liền gửi một phong thư cho Tiết Sinh Bạch, trong thư có viết một bài thơ ẩn ý là: “Hữu nhãn vô châu phúc trung bảo, Hà hoa xuất thủy hỉ tương phùng, Ngô Đồng lạc diệp phân li biệt, Ân ái phu thê bất đáo đông[2]. Vào mùa thu, Ngô Đồng rụng lá, đồng khí tương cầu, thai nhi lập tức ra…”. Tiết Sinh Bạch đọc xong, tự nhiên hiểu ra, thực sự cảm thấy Diệp Thiên Sĩ bác học đa tài, thực sự đáng nể phục, tự thấy mình không bằng.
Ngày Diệp Thiên Sĩ chẩn bệnh đúng vào mùa thu, là thời kỳ hàn thử táo thấp giao nhau, Ngô Đồng rụng ào ào, người và giới tự nhiên tương ứng với nhau, đồng khí tương cầu, cho nên dựa theo phương của Tiết Sinh Bạch mà gia thêm lá Ngô Đồng để cầu cái khí ấy, đồng thời dẫn thuốc tới nơi bị bệnh. Dưa chín thì rụng đế, hạt Đồng chín thì lá rụng, hợp lại mà thành một, cho nên tác dụng của thuốc phối hợp ăn ý. Không lâu, lời đồn tốt đẹp về chuyện “Diệp Thiên Sĩ dùng 3 phiến lá Ngô Đồng, một chữ cứu hai mạng người” truyền khắp vùng sông nước Giang Nam.
[1] 薛生白
[2] 有眼无珠腹中宝,荷花出水喜相逢,梧桐落叶分离别,恩爱夫妻不到东