Mấy hôm nay thời tiết lạnh, lượng bệnh nhân bị đau nhức xương khớp tăng lên nhiều. Một bệnh nhân nữ hôm qua đến gặp mình nhờ mình xem bệnh và điều trị. Triệu chứng bệnh của chị khá là phổ biến và rất nhiều người đang mắc phải trong mùa lạnh, từ hôm giờ phải gặp mấy trường hợp giống như chị rồi.
Chị ấy hỏi mình:
-Bình ơi, sao dạo này chị cứ có cảm giác người rất là nặng nề, nhất là hai chân, giống như đang mang vật gì nặng ở chân. Tối nằm ngủ và sáng sớm ngủ dậy thì vùng cổ vai và lưng của chị đau nhức hết cả lên, chị rời giường hoạt động một lúc thì có đỡ hơn. Triệu chứng này là bị gì vậy em?
-Chị đã đi khám ở đâu chưa, họ kết luận ra sao?
-Chị đi khám ở viện thì chỉ số bình thường, không tìm ra nguyên nhân. Có đi khám một vài thầy khác, nhưng mỗi thầy kết luận một kiểu.
-Họ bảo sao vậy chị.
-Người thì bảo do giường và nằm sai tư thế khiến cột sống có vấn đề, sau đó họ bấm huyệt và chỉnh cột sống, nhưng đỡ một hai hôm sau lại bị đau lại; người thì châm cứu cho chị nhưng cũng không ăn thua. Vậy là tại sao nhỉ?
-Bởi vì những người ấy chưa biết gốc bệnh nằm ở đâu.
-Thế Bình phân tích bệnh của chị đi.
Thôi rồi, lại đến tiết mục phân tích bệnh cơ, một tiết mục khá là vất vả khi gặp những bệnh nhân không hiểu các thuật ngữ trong đông y, nên sẽ phải cố lấy ví dụ sao cho bệnh nhân dễ hiểu nhất, rất chi là tốn nơron thần kinh. Lúc này mình nói tiếp:
-Em lấy một ví dụ đơn giản cho chị dễ hiểu mà không quá hàn lâm nhé, buổi sáng ngủ dậy chị có vệ sinh cá nhân, rửa mặt bằng khăn ướt không?
-Chị có.
-Sau khi chị rửa mặt xong, chị giặt khăn và treo lên phơi. Lúc này chị sẽ thấy hiện tượng gì. Đúng rồi, chính là nước sẽ bắt đầu chảy xuống. Tính chất của nước luôn luôn là đi xuống, bởi vì có lực hút của trái đất, nước mưa luôn rơi xuống và ngấm xuống đất chính là vì vậy. Tương tự, khi chị phơi chiếc khăn ướt này, nước sẽ có xu hướng di chuyển xuống nửa phía dưới của chiếc khăn, điều này sẽ làm cho nửa phần trên của khăn sẽ nhanh khô hơn nửa phần dưới. Thông thường nửa phần trên khô rồi mà nửa phần dưới vẫn còn ẩm ướt, nhất là thời tiết mùa này.
-Cái này thì có liên quan đến bệnh của chị không.
-Có, liên quan nhiều là đàng khác. Trong đông y có một nguyên nhân gây bệnh nằm trong lục dâm (sáu thứ khí gây bệnh) gọi là “Thấp tà”. “Thấp” chị hiểu đơn giản là khí ấm thấp, nhất là ở những vùng đầm lầy hay môi trường ẩm thấp, dễ thấy khí này nhất, khi mình bị nhiễm khí này thái quá sẽ sinh bệnh. Và chị lưu ý một điểm, “thấp tà” có một tính chất là “thấp tính xu hạ”, tức “thấp” có xu thế là đi xuống, nên nó thường xuyên gây bệnh ở nửa người dưới cơ thể. Thấp tức là không cao, không cao tức là ở dưới thấp, ở dưới thì gây bệnh phần dưới là đúng rồi.
Giống như cái khăn mặt ở phía trên, ban ngày khi chị đứng thẳng trong thời gian dài, thấp có xu hướng hạ xuống phía dưới nên lúc này thấp sẽ dồn về hai chân-nơi thấp nhất trên cơ thể, chính vì vậy mà chị sẽ thấy hai chân của chị lúc này có cảm giác mỏi, nặng nề. Bây giờ chị đã hiểu tại sao ban ngày chị cảm giác hai chân của chị luôn nặng nề chưa.
-Tiếp tục nhé, ban đêm khi chị đi ngủ, thì lúc này vị trí thấp nhất trên thân thể không phải là hai chân, mà là bộ phận cùng mặt giường tiếp xúc. Dựa theo tính chất “thấp tính xu hạ”, lúc này bộ phận cùng giường tiếp xúc sẽ có cảm giác không thoải mái.
Đây chính là lí do không phải mỗi mình chị mà là rất nhiều bệnh nhân ban ngày còn tốt, hai chân hơi nặng nề một chút, nhưng ban đêm đi ngủ, nửa đêm sẽ xuất hiện triệu chứng vai gáy đau nhức, thắt lưng đau nhức, phàm là bộ phận tiếp xúc mặt giường đều đau mỏi. Buổi sáng ngủ dậy đau mỏi như vậy, nhưng khi rời giường hoạt động một chút lại đỡ chính là vì nguyên nhân này.
-Nghe em giải thích hay quá, bây giờ chị hiểu nguyên nhân rồi. Vậy cách chữa sao em.
-Đơn giản, chỉ cần đem thể nội “Thấp tà” đang chìm xuống phía dưới thân thể chuyển vận lên phía trên là được.
-Em bảo nước có tính chất luôn đi xuống, vậy nước có thể hướng lên phía trên mà đi sao.
-Có thể. Như khi trời mưa liên tục, cả thiên địa đều ẩm ướt mù mờ, lúc này chỉ cần ánh nắng mặt trời xuất hiện và chiếu xuống, nước sẽ bốc hơi mà đi lên phía trên. Lúc này ẩm ướt biến mất, trời đất lại trong sáng trở lại. Thân thể chúng ta cũng đồng dạng, chỉ cần Hỏa ở trong thận đầy đủ, thì hai chân sẽ không còn sợ lạnh, hàn thấp ở phía dưới sẽ hóa khí mà thăng lên. Y hệt như khi chúng ta đun nước vậy, có lửa (hỏa) ở phía dưới thì nước sẽ hóa khí bốc hơi mà đi lên, và lửa phía dưới nồi cũng tương tự như Hỏa ở trong thận. Đây chính là đạo lý “dương hóa khí” đấy ạ.
Bệnh nhân khi nghe mình nói đến đây thì đã hiểu. Khi đã hiểu được lý rồi thì công cuộc điều trị dễ dàng hơn rất nhiều, không cần biết dùng cách gì, chỉ cần theo đúng nguyên tắc ôn bổ thận dương và khứ thấp đi nữa là bệnh sẽ đỡ. Người không hiểu lý, thì mãi mãi sẽ chỉ chấp vào thuật, cứ chấp phương pháp mình là đúng là tốt nhất, phương pháp của các thầy khác là sai. Người hiểu được Lý được Đạo trong chữa bệnh, thì cứ vô vi mà trị.
Sau đấy mình châm cho bệnh nhân 5 kim, 2 kim để thông lợi thủy thấp, 1 kim khơi thông dương khí đốc mạch, làm cho thủy thấp cấp tốc hóa khí, 2 kim còn lại ôn bổ thận dương. Lưu kim 45 phút, sau khi rút kim tất cả triệu chứng khó chịu biến mất, người thoải mái nhẹ nhàng.
Đối với những bệnh nhân gặp phải triệu chứng trên, mà lại không muốn uống thuốc hoặc châm cứu thì có một cách khá đơn giản nhưng lại cực kì hữu hiệu, đó chính là ngâm chân mỗi tối. Lấy một nắm lá ngải cứu, đun sôi lên sau đấy mỗi tối ngâm chân 20 phút. Ngải cứu có tác dụng ôn kinh tán hàn, hàn thấp trong thân thể sẽ từ từ giảm bớt, bệnh tình sẽ chậm rãi khôi phục. Ngoài ra để tăng nhanh hiệu quả, lúc này có thể dùng điếu ngải trong đông y hoặc máy sấy tóc sấy nóng vùng thắt lưng và bụng dưới (dưới rốn khoảng 3cm) mỗi ngày, thì hiệu quả còn nhanh hơn rất nhiều.
Đấy, ai dám bảo Đông y là không khoa học, là chậm đâu. Chả qua do trình độ của người thầy thuốc quyết định hiệu quả thôi. Trình độ chưa đến, làm không thấy hiệu quả lại đổ cho đông y là âm âm dương dương mù mù mờ mờ, không khoa học, rồi tìm kiếm phương pháp điều trị khác, cứ làm mũi giảm đau để giữ bệnh nhân đã rồi tính sau, mà không chịu suy ngẫm mình sai ở đâu mà hiệu quả không như mong muốn, thì làm sao có thể tiến bộ được. Đây là một thực trạng rất đáng buồn cho nền đông y hiện tại, đông không ra đông, tây không ra tây, cuối cùng người chịu thiệt chỉ là bệnh nhân.
Đôi lời chia sẻ với mọi người, chúc mọi người ngày mới an lạc.
2 comments
[…] (Click vào đây để hiểu thêm về THẤP) […]
[…] (Đọc thêm: Mr Thấp Và Đau Nhức Xương Khớp) […]