Trời đã bắt đầu sang thu, khí bắt đầu hướng xuống dưới và thu về, nên nhiều bệnh tật sẽ bắt đầu phát sinh. Hôm kia, mình có khám cho một bệnh nhân nữ, còn khá là trẻ, mới hơn 32 tuổi, làm công việc văn phòng, thường xuyên bị đau mỏi vùng vai gáy, thỉnh thoảng hay bị hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, mấy ngày trở lại đây cổ họng thường xuyên bị khô, rất khó chịu. Bệnh nhân đã đi điều trị khá nhiều nơi, từ massage, bấm huyệt cho đến châm cứu nhưng chỉ đỡ một thời gian rồi lại bị lại, không triệt để được.
Chị ấy hỏi mình “bệnh của chị nguyên nhân do đâu”. Xem mạch xong mình trả lời “bệnh của chị nguyên nhân do cơ thể đang thiếu mất một luồng dương khí, nên sinh ra những triệu chứng trên”. Sau khi mình nói xong chị ấy rất là ngạc nhiên, vì kết quả mình nói nó khác hoàn toàn với các chẩn đoán trước đây khi chị ấy đi khám ở những nơi khác. Người thì chẩn đoán chị ấy bị co cơ, thoái hóa đốt sống cổ gây đau vai gáy, người thì chẩn đoán chị ấy bị thiểu năng tuần hoàn não nên thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt. Còn bây giờ mình lại nói như vậy, nên chị ấy khá là thắc mắc.
Biết là bệnh nhân chưa hiểu được nguyên nhân bệnh ở đâu, nên mình đành giải thích kĩ càng cho chị ấy hiểu. Thực ra những chẩn đoán trước đây chị ấy đi khám nó không sai, nhưng mà nó chưa thể hiện được cái gốc bệnh của chị ấy, đông y gọi là bệnh cơ. Trên mạch của chị ấy thì mạch Thốn bên trái và mạch Xích phải của chị ấy rất yếu, vậy chúng ta thử phân tích xem nhé.
Nếu là người thực sự học đông y ai ai cũng đều biết tứ đại kinh điển của đông y là Nội-Nạn-Thương-Kim. Nội ở đây, chỉ là NỘI KINH. Kinh là gì, kinh là thường hằng, xưa nay bất biến không thay đổi, gọi là kinh. Giống như kim khẩu của PHẬT nói ra, PHẬT là đấng giác ngộ, nên lời của PHẬT nói ra để chỉ những quy luật bất biến trong vũ trụ, sau này được các đệ tử kết tập lại và thành KINH PHẬT. Từ cổ chí kim, thời nào cũng có những danh nhân, và biết bao tác phẩm để đời, nhưng, hàng vạn vạn tác phẩm ấy, có mấy tác phẩm được người ta xưng tụng là KINH, rất rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nói thế để mọi người có thể hiểu được 1 tác phẩm có được chữ KINH ở đằng sau không phải chuyện đơn giản, từ đấy có thể thấy được NỘI KINH quan trọng với người học Y nhường nào. Và NỘI KINH là 1 thứ kinh văn không phải cứ đọc mà hiểu ngay được, mà cần có sự ngộ, nên trăm người đọc mấy ai dám nói hiểu được NỘI KINH.
Quay trở lại câu chuyện ban đầu, triệu chứng khô miệng do đâu, và căn cứ vào đâu mình lại bảo do thiếu 1 luồng dương khí. Nội Kinh viết “dương hóa khí, âm thành hình”. Thực sự mà nói, chỉ có 6 chữ mà bao hàm biết bao nhiêu đạo lý ở trong này, ứng dụng chữa bao nhiêu là bệnh. Dương là gì, hiểu đơn giản dương là hỏa (lửa), là nhiệt, là nóng. Âm là thủy (nước), là hàn, là lạnh lẽo. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào tự nhiên, thủy khí (nước) trên mặt đất, sông hồ làm sao mà bốc hơi nước để đi lên mà hình thành mây mưa được. Chính là nhờ vào dương khí mà bốc hơi được, tức nước gặp nóng thì sẽ bốc hơi. Dương khí ở tự nhiên là gì, đó chính là mặt trời và sức nóng nham thạch ở trong lòng đất. Chính nhờ sức nóng từ mặt trời và từ trong lòng đất mà nước có thể khí hóa mà bốc hơi lên trên. Và mọi người có để ý thấy, dương khí trong cơ thể bắt nguồn từ Tâm và Thận, Tâm giống như mặt trời, Thận giống như nham thạch trong lòng đất.
Cho nên, nước trên mặt đất trong quá trình bốc hơi lên trên mà thành mây, quá trình này dương khí đóng 1 vai trò cực kì quan trọng, chính vì vậy mà NỘI KINH mới viết “dương hóa khí”, nếu không có dương khí này thì những thứ âm thủy không thể thăng lên trên được, cái này gọi âm theo dương mà thăng lên. Đạo lý này diễn tả rất rõ trong 1 nửa bên trái của Thái cực đồ, khi dương nhãn chạy lên trên những vật chất thuộc về âm đều bị nó kéo lên trên.
Với bệnh nhân ở trên, như mình bảo, thiếu dương khí, dương là nhiệt, là nóng; khi dương khí thiếu thì tay chân rất dễ bị lạnh. Và dương khí thiếu, không thế ôn hóa được thủy khí trong cơ thể, từ đấy thủy khí không lên vùng khoang miệng được, từ đấy miệng lúc nào cũng khô. Lấy một ví dụ cụ thể cho mọi người dễ hiểu, khi mình đun nước bằng bếp lửa, nếu dưới nồi không có lửa thì nước không thể sôi, nước không sôi thì nước không bốc hơi lên được, nắp vung vẫn khô. Lúc này, nếu mình cho lửa lên, thì khi nước sôi, hơi nước bốc lên, nắp vung tự nhiên sẽ ẩm ướt không còn khô nữa, đó là cái đạo lý âm (nước) nhờ vào dương khí (lửa) dưới đáy nồi mà bốc hơi lên. Và nắp vung ở đây là ám chỉ miệng của mình vậy. Cho nên mới nói âm mà không có dương thì không hóa, trường hợp này nếu không biết đạo lý này mà thấy miệng khô, cho thêm thuốc nhuận âm hay cố uống thêm nhiều nước thì lại tăng thêm gánh nặng cho cơ thể, vì âm nếu không có dương để “hóa” thì nó chỉ là tử âm.
Cũng giống như cây cối , vào mùa đông thường bị khô héo, lúc này các anh chị có tưới nước cho cây thì nó cũng không hấp thu nổi, nên vẫn héo. Thế nhưng mùa hè lại khác, anh chị tưới một xíu nước thôi thì cây sẽ tốt tươi ngay. Bởi vì mùa hè có dương khí, nên có dương khí nó có thể vận hóa nước từ dưới rễ đi lên phần ngọn, lá, từ đấy cây phát triển tươi tốt không còn khô héo nữa, đây chính là đạo lý âm phải có dương mới thăng lên được. Nói thế để thấy dương khí quan trọng với cơ thể tới nhường nào, nếu chúng ta làm mất dương khí đi tức chúng ta đang làm mất tuổi thọ của chính mình.
Đấy là nói về “dương hóa khí”, còn “âm thành hình” thì như thế nào. Âm là chỉ vật chất hữu hình. Và đa phần, các khối u trong cơ thể của mình, chính là quá trình “âm thành hình” như nội kinh đã nói. Giống như nước, khi ở nhiệt độ thấp sẽ bị đóng băng lại, đấy chính là âm (lạnh, nhiệt độ thấp) thành hình (thàng băng, thể rắn, có hình dạng). Bây giờ muốn điều trị bệnh này, cần làm quá trình này xoay ngược trở lại, từ “âm thành hình” chuyển thành “dương hóa khí”, giống như băng tan thì phải nhờ dương khí (nhiệt độ cao) để hóa vậy.
Rất dễ hiểu phải không các anh chị, nên giờ mọi người hiểu được cơ chế để điều trị các khối u trong cơ thể rồi nhé, không phải cứ phẫu thuật cắt bỏ là xong đâu, cơ chế “âm thành hình” vẫn còn thì bệnh vẫn có thể quay trở lại, vẫn có thể xuất hiện khối u lại như bình thường nhé.
Và một tính chất vật lý ai ai cũng biết, là bất cứ vật chất gì khi gặp nóng sẽ giãn ra, gặp lạnh sẽ co lại. Bây giờ, khi vùng vai gáy thiếu mất 1 luồng dương khí, thì dĩ nhiên cơ vùng này sẽ bị lạnh, bị lạnh thì sẽ bị co cơ, co cơ thì gây đau mỏi vai gáy thôi ạ. Chưa kể co cơ lâu ngày dẫn tới máu đến nuôi dưỡng các đốt sống cổ ngày càng ít đi, từ đấy gây ra thoái hóa đốt sống thôi. Đấy, cho nên về triệu chứng thường xuyên đau mỏi vai gáy, về bản chất sâu xa là do cơ thể thiếu đi một luồng dương khí mà sinh ra. Cho nên lúc này giải cơ cũng chỉ là biện pháp tạm thời, muốn lâu dài, hãy điều trị vào gốc rễ của vấn đề.
Tiếp tục nhé, bệnh nhân bị hoa mắt chóng mặt , dùng nhiều thuốc bổ não, bổ máu mà hiệu quả không có là tại sao vậy. Thực ra nguyên nhân không nằm ở chỗ đó, bệnh nhân thốn mạch bất túc, khí là soái của huyết (tạm hiểu là máu), khi khí (dương ) lên được vùng đầu não rồi thì sau đó huyết (âm) mới có thể theo đó mà lên, nếu như thiếu mất luồng dương khí này thì có bổ huyết bao nhiêu thì huyết cũng làm sao mà đi lên phần đầu được. Cái này giống hệt quá trình nước từ dưới đất đi lên tầng thượng của một tòa nhà chung cư vậy, nước không thể đi lên nếu không có lực kéo của máy bơm đủ mạnh để thắng lực hút của trái đất. Nước tượng trưng cho máu huyết trong cơ thể, và lực kéo của máy bơm tương tự như dương khí trong cơ thể mình vậy. Khi lực kéo đủ mạnh rồi, đầu sẽ nhận đủ máu huyết, từ đấy sẽ không chóng mặt nữa. Và đây chính là cơ chế âm theo dương để thăng lên. Cái gọi là thiếu máu lên não chỉ là bề nổi, còn dương khí không đủ để dẫn huyết đi lên đầu mới là bản chất của vấn đề. Khi hiểu được vấn đề thì công việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đọc đến đây chắc mọi người hiểu phần nào về nguyên nhân tại sao chị ấy cứ điều trị một thời gian rồi bệnh lại tái phát rồi chứ ah. Vì chị ấy điều trị chỉ mới điều trị phần ngọn, chỉ giải cơ là chính chứ chưa điều trị vào phần gốc của bệnh, dương khí vẫn thiếu thì bệnh sẽ lại tiếp tục sinh ra.
Đông y là nền y học khí hóa, nên luôn nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và tổng quát, không chia nhỏ vấn đề như Tây y, nên mỗi nền y học sẽ có một thế mạnh riêng. Đông Y và Tây Y như hai cặp phạm trù âm dương vậy, vừa đối lập nhưng lại luôn bổ trợ cho nhau. Chính vì vậy mà các anh chị đi khám, mình khuyên nên kết hợp cả hai nền y học lại với nhau, sẽ có cái nhìn tổng quan về bệnh tật hơn, từ đấy có thể biết được các phương pháp điều trị hợp lí. Và mình thực sự khuyên các anh chị đi khám bệnh nên và rất nên bắt mạch để xem bệnh, vì bắt mạch có thể biết được triệu chứng đang gặp phải, biết được nguyên nhân sâu xa gây nên bệnh và có thể biết được bệnh gì sẽ phát sinh trong tương lai, cái này thì máy móc khó mà làm được.
Hi vọng bài viết sẽ hữu ích với mọi người, cung cấp cho mọi người một góc nhìn khác về nguyên nhân gây bệnh theo đông y. Chúc mọi người ngày mới an lạc.
25/09/2019
Phan Vũ Bình
2 comments
BS nói rất chính xác. Nhưng cho tôi xin hỏi vậy thì làm thế nào để tăng dương khí? ĂN gì để tăng dương khí, TẬP môn gì, XOA BÓP thế nào để tăng dương khí? Nhưng xin BS hướng dẫn thêm người bệnh tự phòng/chữa mà không cần dùng thuốc thì phải làm gì? Cảm ơn BS.
Có rất nhiều cách để tăng dương khí ah. Nếu không muốn dùng thuốc thì có thể kể đến các phương pháp như ăn nhiều đồ ăn có tính chất ôn ấm, hạn chế những thực phẩm mát, có tình chất lạnh. Thứ hai là tăng cường vận động, vì “thái cực động mà sinh dương”, khi chúng ta vận động thì tự khắc cơ thể sẽ sản sinh ra dương khí. Cuối cùng là dùng phương pháp cứu ngải của đông y, mình có một bài đăng rồi, bạn có thể đọc tham khảo ah.