Thời tiết vào thu, sáng nay Hà Nội thời tiết bắt đầu se lạnh. Phải nói rằng Hà Nội mùa này thật đẹp, dịu dàng e ấp như một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Không giống như mùa đông buốt giá hay mùa hè oi bức, cái se lạnh của mùa thu mang đến cho con người ta một cảm giác thật yên bình. Và chính cái thời tiết này nó thôi thúc con người ta buông bỏ hết công việc để có thể bước chân ra phố tận hưởng cái không khí độc nhất vô nhị của mùa thu Hà Nội mà không một nơi nào có được.
Tuy thu Hà Nội đẹp là vậy, nhưng thời tiết se lạnh cũng báo hiệu cho chúng ta biết vạn vật bắt đầu tiến vào trạng thái thu tàng, khí trời bắt đầu thu liễm, đây chính là thời điểm rất nhiều bệnh tật phát sinh, nhất là những bệnh về hô hấp. Mấy hôm nay nhận được khá nhiều tin nhắn hỏi về bệnh này, nay sẽ viết 1 bài chia sẻ cùng mọi người.
Hôm trước Bình có khám cho 1 bệnh nhân, bị viêm mũi dị ứng mấy năm nay, thường xuyên sợ lạnh, những hôm thay đổi thời tiết sang lạnh hay sáng sớm là hắt xì và chảy nước mũi không ngừng, thỉnh thoảng hay bị đau đầu, hoa mắt chóng mặt. Bệnh nhân hỏi mình nguyên nhân do đâu mà sinh ra bệnh này, chữa rồi bệnh cứ tái đi tái lại khiến bệnh nhân rất khó chịu, liệu bệnh này có thể điều trị dứt điểm được không?
Xem mạch xong mình mới trả lời rằng: bệnh của anh do trung khí không đủ, dương khí không thăng lên vùng đầu mặt nên sinh ra những triệu chứng trên, đó là gốc bệnh. Từ trước giờ anh toàn điều trị vào triệu chứng-ngọn bệnh nên điều trị chưa dứt điểm được.
Bệnh nhân mới hỏi lại dương khí là gì, có thể giải thích kĩ hơn cho bệnh nhân hiểu được không? Lúc này mình mới từ từ giải thích cho bệnh nhân.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu Dương khí là gì. Như bài viết “ Âm theo Dương để thăng” trước đây mình đã giải thích, nay mình nói ngắn gọn cho những ai chưa đọc. Trong cơ thể chúng ta có hai nguồn năng lượng, đông y gọi nó là Âm huyết và Dương khí. Âm huyết là thứ hữu hình, chúng ta có thể sờ thấy, nhìn thấy được. Còn Dương khí là nguồn năng lượng vô hình, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được chứ sẽ không sờ thấy được. Ví dụ như khi chúng ta tức giận, chúng ta sẽ thấy mặt nóng bừng lên, đó chính là khí đang bốc lên, nên chúng ta còn gọi bốc hỏa. Và dương khí có 1 chức năng rất quan trọng, đó chính là chức năng ôn ấm cơ thể và KHÍ HÓA. Vậy, chức năng này có liên quan gì đến viêm xoang, viêm mũi dị ứng, chúng ta hãy cùng nhau phân tích.
Dương là gì? Là khí, là hỏa (lửa). Tính của hỏa là nóng, nóng thì có thể ôn ấm cơ thể. Người nào cơ thể dương khí đầy đủ thì sẽ luôn khỏe mạnh, cơ thể ấm áp. Nếu người nào thiếu dương khí, người lúc nào cũng lạnh, nhất là tay chân vào mùa đông, cực kì lạnh. Bệnh nhân mình nói ở trên, cơ thể lúc nào cũng sợ lạnh là do nguyên nhân dương khí không đủ gây ra. Vậy, khi dương khí không đủ sinh ra triệu chứng gì nữa?
Vâng, đó chính là dễ bị cảm cúm. “Chính khí tồn nội tà bất khả can”-khi cơ thể chúng ta chính khí, dương khí đầy đủ thì tà khí sẽ không thể xâm nhập vào cơ thể mà gây bệnh được. Chỉ khi chính khí không đủ thì tà khí mới có cơ hội mà vào. Lấy một ví dụ đơn giản, con người như 1 cái cốc, và chính khí như là nước đựng trong cốc vậy. Khi cốc nước đựng đầy nước thì chúng ta không thể đổ thêm Coca vào cốc, chỉ khi nào nước trong cốc vơi một phần thì chúng ta mới có thể đổ coca thêm vào cốc. Coca ở đây ví như tà khí-nguyên nhân gây bệnh vậy, còn cốc vơi tức là chính khí của cơ thể đang bị thiếu hụt. Cho nên chúng ta để ý thấy những người dễ bị cảm cúm đa số đều là những người dương hư, cơ thể không đủ dương khí nên phong hàn tà khí thừa cơ mà vào cơ thể, lúc này cơ thể chúng ta sẽ chống cự, nên sẽ đưa chính khí ra bên ngoài để đẩy tà khí ra khỏi cơ thể, chính vì vậy mà lúc này chúng ta sẽ bị hắt hơi và có thể bị sốt nhẹ. Đó chẳng qua là quá trình đánh nhau giữa chính khí và tà khí trong cơ thể mà thôi.
Tiếp tục nhé, ai thường xuyên đọc bài viết của mình hay đã theo học các lớp của mình thì đều để ý mình rất hay nhắc đi nhắc lại hai câu nói, một trong hai câu ấy là “dương hóa khí, âm thành hình”. Người học đông y ai cũng biết cơ thể được chia làm 3 phần, phần trên đầu gọi là thượng tiêu, phần bụng gọi trung tiêu, và từ rốn trở xuống gọi hạ tiêu. Và quá trình khí hóa ở cả 3 vùng này được tóm gọn lại trong 1 câu nói “Thượng tiêu như sương mù, trung tiêu như bọt nước sủi, hạ tiêu như nước chảy”. Vâng, ở đây chúng ta chỉ cần quan tâm vế đầu tiên, thượng tiêu-vùng đầu mặt thì khí phải man mác như sương mù, đó mới là bình thường, nếu trái với nó là bệnh.
Vậy, xét trong bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì bệnh nhân thường có triệu chứng mũi thường xuyên chảy nước. Mũi là thuộc thượng tiêu, thượng tiêu phải như sương mù, bây giờ mũi chảy nước thì có phải là sương mù không? Tất nhiên là không rồi, đây chính là giọt nước, chứ không còn là sương mù nữa. Nhìn vào thiên nhiên, chúng ta hãy ngẫm nghĩ xem, vào thời điểm nào giữa thiên nhiên dễ hình thành giọt nước nhất. Không sai, chính là ban đêm, đặc biệt qua trải qua một đêm tối về sau, tại sáng sớm chúng ta ra bãi cỏ ngoài vườn xem xét, toàn bộ bãi cỏ đều có giọt sương đọng lại, long lanh lóng lánh. Cái này rất giống với trường hợp bệnh nhân sáng sớm hay có hiện tượng chảy nước mũi.
Khi hiểu được đạo lý này rồi chắc chắn chúng ta liền có thể biết nguyên nhân chảy nước mũi. Đáp án chính là “âm thành hình”. Ban ngày là dương, ban đêm là âm. m là thủy (nước), là hàn, là lạnh. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp, âm hàn quá mức mới có thể hình thành sương. Mùa đông hàn lạnh quá mức mới hình thành tuyết mà rơi xuống. Đây chính là quá trình âm thành hình, từ thể khí ở nhiệt độ thấp thì sẽ trở thành thể lỏng. Nguyên lý rất đơn giản. Vậy, để ngăn ngừa quá trình này thì làm cách nào.
Cũng cực kì đơn giản, chúng ta chỉ cần đảo ngược quá trình, từ “âm thành hình” chuyển thành “dương hóa khí”. Nhìn vào thiên nhiên, khi mặt trời vừa nhô lên, không tới vài giờ tất cả giọt sương ở bãi cỏ đều bốc hơi hết. Lúc này chúng ta sẽ không còn nhìn thấy giọt sương nữa, giọt sương chỉ thuộc về ban đêm chứ không thuộc về ban ngày, bởi vì ban ngày có mặt trời, có dương khí. Cho nên trong điều trị, thân thể của bệnh nhân đang ở trong trạng thái ban đêm và mùa đông thì chúng ta cho cơ thể bệnh nhân về trạng thái ban ngày và mùa hè, lúc này quá trình âm thành hình sẽ thành quá trình dương hóa khí. Và cốt lõi ở đây, chính là dương khí. Khi dương khí đầy đủ, thì hiện tượng chảy nước mũi sẽ hết.
Còn hiện tượng đau đầu, hoa mắt chóng mặt thì nguyên nhân của nó cũng do dương khí không đủ nên không thể dẫn huyết đi lên vùng đầu mà gây ra, cái này trong bài viết cũ “âm theo dương để thăng” mình phân tích rất kĩ rồi, mình sẽ không nhắc lại nữa, ai chưa đọc có thể vào lại tường của mình để tìm đọc lại.
Đọc đến đây chắc mọi người hiểu chút chút về nguyên nhân sinh ra các triệu chứng trên rồi đúng không ah, nguyên nhân chỉ tóm gọn lại ở hai chữ dương khí mà thôi. Từ một nguyên nhân mà sinh ra nhiều bệnh, bây giờ chỉ cần điều trị vào nguyên nhân thì các bệnh khác tự khắc sẽ hết, không cần quan tâm các bệnh đó làm gì. Đây chính là nguyên tắc chữa vào gốc bệnh trong đông y. Xem bệnh cũng vậy, phải hiểu được gốc rễ vấn đề nằm ở đâu.
Người giỏi đông y phải là người giỏi về tư duy suy luận, đem các triệu chứng bệnh từ phức tạp quy nạp về đơn giản, đó chính là cái ĐẠO trong chữa bệnh. Cho nên mới có câu nói đại đạo chí giản, những thứ càng đơn giản bao nhiêu càng hợp với đạo bấy nhiêu. Chính vì vậy mà Y ĐẠO và Y THUẬT là hai cảnh giới của người làm y, cách xa nhau như trời với đất vậy. Tiếc thay thời nay đa số mọi người đều thích y thuật, vì nó học nhanh hơn, dễ kiếm tiền hơn. Còn muốn bước vào y môn đạo đạo, không có thời gian lâu dài trau dồi kiến thức lẫn tâm tính, không phát tâm từ bi chữa bệnh cứu người thì khó mà NGỘ rồi thâm nhập vào cửa được.
Đôi dòng tâm sự hi vọng sẽ hữu ích với mọi người. Phương pháp điều trị bệnh này rải rác trong các bài viết trước mình đã nói, ai chưa đọc có thể tìm đọc lại hai bài “Sự kì diệu của bàn tay” và “Dưỡng sinh mỗi ngày vùng đầu mặt”. Chúc mọi người ngày mới an lạc nhiều niềm vui.
16/10/2019
Phan Vũ Bình