1. Đạo làm thuốc, toàn ở xem xét bản thân.
Phương pháp làm người thầy thuốc hoàn toàn ở chỗ xem xét bệnh tật người bệnh như người thân của mình. Đây là lòi nói khuyên răn đời sau khám bệnh nhất định phải tường tận tinh vi, hết mình vì thực tiễn, không được ăn nói sơ sài tuỳ tiện coi thường công việc. Tiên hiền từng nói: “Người thầy thuốc đối với bệnh nhân, phải nghiêm túc thể nghiệm coi như chính mình bị bệnh, sau dùng thuốc mới khỏi sai lầm”, có thể coi như tinh thần chủ yếu của danh ngôn.
2. Có ở bên trong tất sẽ thể hiện ra bên ngoài, quan sát bên ngoài có thể biết ở bên trong
Câu này nêu cơ sở lý luận về phương pháp khám bệnh của Đông y từ bên ngoài mà suy đoán bệnh ở bên trong, từ phần biểu để xem xét bệnh ở phần lý. Con người là một chỉnh thể hữu cơ, có mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài. Sự biến hoá cửa nội tạng trong cơ thể hẳn phải biểu hiện ra bên ngoài. Đông y thông qua tứ chẩn vọng, văn, vấn, thiết, căn cứ vào hiện tượng phản ánh ra thể biểu, từ ngoài để suy đoán ở trong, từ biểu để suy đoán ở lý, từ đó mà nhận xét được nguyên nhân và cơ chế cũng như bộ vị phát bệnh, làm cơ sở để tiến hành điều trị.
3. Có thần thì tốt, mất thần thì chết.
Câu này lấy có thần hay không có thần để phán đoán bệnh tình nặng hay nhé làm căn cứ để dự đoán bệnh tình diễn biến tốt hay xấu thật là chí lý.
Thần là thể hiện cho hoạt động của sinh mạng con người, hình với thần đầy đủ, hình là thể của thần, thần là dụng của hình. Thực tiễn chứng minh sự thịnh suy của thần là cái mốc trọng yếu để đánh giá sự mạnh khoẻ của cơ thể.
Có thần, tức là tinh khí đầy đủ và thần vượng, cho dù mắc bệnh cũng nói lên công năng của Tạng Phủ chưa suy, tiên lượng tốt. Trái lại, mất thần là tinh khí đã suy tổn, thần đã hao hụt, nói lên công năng của Tạng Phủ suy bại, bệnh đã đến mức này phần nhiều ở giai đoạn bệnh tình nghiêm trọng, tiên lượng xấu.
4. Sắc là ngọn cờ của thần.. cái khéo ở sự xem sắc, toàn là ở sự xét thần.
Sắc mặt phản ánh thần khí con người thông qua xem xét sắc mặt có thể thấy được trạng thái tinh thần cùa con người. Danh ngôn này nêu lên tính trọng yếu đối với việc nhìn sắc để xét đoán thẩn. Thần là chủ tể của toàn thân, là biểu hiện bên ngoài về hoạt động của mỗi sinh mạng nhất là mối liên quan chặt chẽ về sắc mặt của con người. Họ Dụ nói: “Thần vượng thì sắc vượng, thần suy sắc cũng suy, thần tiềm ẩn thì sắc tiềm ẩn, thần bộc lộ thì sắc bộc lộ”. Vì vậy, cái khéo ở sự xem sắc, toàn là ở sự xét thần, đó là ý nghĩa trọng yếu của việc xem sắc.
5. Chất lưỡi để đoán thịnh suy của nguyên khí. Rêu lưỡi để xem xét sự nông sâu của chứng bệnh.
6. Phân biệt chất lưỡi, có thể quyết đoán sự hư thực của ngũ tạng, Xem xét rêu lưỡi, có thể khảo sát sự nông sâu của lục dâm.
Danh ngôn 5 và 6 ý nghĩa gần giống nhau, nói lên giá trị việc chẩn bệnh ở lưỡi, chia ra chất lưỡi và rêu lưỡi có ý nghĩa chẩn đoán khác nhau. Lưỡi là cái mầm của Tâm, huyết lạc rất phong phú, thông qua kinh lạc, kinh cân và năm Tạng sáu Phủ phát sinh những mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp. Vì vậy, tinh khí của tạng phủ đều tươi tốt lên lưỡi, mà bệnh biến tất nhiên cũng phản ánh lên lưỡi. Thông qua xem xét chất lưỡi, có thể phản ánh sự thịnh suy của nguyên khí, hư thực của năm Tạng, tóm lại là phản ánh của chính khí.
Lưỡi còn là ngoại hậu của Tỳ, rêu lưỡi là do Vị khí hun bốc mà có, cho nên xem rêu lưỡi có thể biết Vị khí còn hay mất, để dự đoán nặng nhẹ của bệnh tà. Nói chung, xem sự dầy, mỏng của rêu lưỡi, có thể đoán sự nông sâu của tà khí; sự khô, nhuận của rêu lưỡi có thể hiểu được sự mất, còn của tân dịch. Rêu lưỡi vữa hay nhớt có thể biết sự tiêu trưởng của thấp trọc ở Trường Vị. Xem rêu lưỡi toàn vẹn hay từng mảng, có thể chẩn đoán bộ vị của bệnh biến. Phối hợp cùng xem xét cả chất lưỡi và rêu lưỡi, có thể nhận thức được hai phương diện chính, tà. Chương Hư Cốc đời Thanh tác giả “Y môn bổng át” cũng nói: “Xem gốc lưỡi, có thể nghiệm được âm dương hư thực. Xem cáu rêu có thể biết được hàn nhiệt nông sâu của bệnh tà.
7. Chẩn bệnh không hỏi lúc bắt đầu… đã nắm lấy thốn khẩu, thì đúng bệnh sao được.
Nêu tính trọng yếu của Vấn chẩn. Vấn chẩn chiếm địa vị trọng yếu trong tứ chẩn, rất nhiều tình huống như bệnh sử, chứng trạng tự giác, tiền sử và lai lịch gia tộc v.v. chỉ có thông qua vấn chẩn mới hiểu kỹ được, nhất là có một số chứng trạng tự giác của một số tật bệnh mà thiếu thể chứng khách quan, vấn chẩn lại càng trọng yếu rõ rệt. Trương Cảnh Nhạc từng coi vấn chẩn là “Yếu lĩnh của chẩn bệnh, là nhiệm vụ hàng đầu của lâm sàng”, có thể thấy được coi trọng nhường nào. Thế mà có người lại không coi trọng vấn chẩn “vội vã nắm ngay thốn khẩu”, cái người chỉ đơn thuần dựa vào mạch tượng là vô trách nhiệm và cũng không thể chữa tốt được bệnh. Nguyên văn danh ngôn này còn nêu ra phạm vi của vấn chẩn, cụ thể như: “Khám bệnh không hỏi lúc bắt đầu, cũng như ăn uống vội mất sự điều độ, nằm ngồi quá mức, hoặc tổn thương nhiễm độc, không nói những điều ấy trước, vội vã nắm thốn khẩu, đúng bệnh sao được”.
8. Chưa khám bệnh hãy hỏi trước, đó là rất chuẩn
Cũng nói lên tính trọng yếu của Vấn chẩn, nên xếp lên đầu các phép khám vọng, văn, thiết. Đông y hiện đại xác thực cũng đưa vấn đề vấn, vọng, văn, thiết trong tứ chẩn; coi sự phối hợp tích cực giữa người bị bệnh với thầy thuốc, nhận rõ vấn đề nêu ra của thầy thuốc, không nên lấy sự chẩn mạch để đo lường trình độ của thầy thuốc. Tô Đông Pha đời Tống từng nói: “chỉ mong khỏi bệnh, đừng làm khó cho thầy thuốc” thật là câu nói chí lý.
9. Một hỏi hàn nhiệt, hai hỏi hãn, Ba hỏi đầu mình, bốn hỏi tiện,
Năm hỏi uống ăn, sáu hỏi hung,Bảy điếc, tám khát đều nên biện
Chín hỏi bệnh cũ, mười: nguyên nhân? Lại hỏi uống thuốc thăm diễn biến.
Phụ nữ cần hỏi thêm kinh nguyệt. Nhanh – chậm – bế – băng đều phải biết
Trẻ em cũng cần hỏi Thiên hoa, Ma chẩn từng phen cũng nói ra…
Đây là bài ca “Thập vấn” trứ danh, đến nay vẫn được áp dụng trong lâm sàng, chỉ đạo vấn chẩn rất hiệu quả. Người tổng kết “Thập vấn ca” đầu tiên là Trương Cảnh Nhạc đời Minh. Ông cho rằng “thập vấn là yếu lĩnh của chẩn trị, là nhiệm vụ hàng đầu của lâm sàng”. “Thập vấn ca” của Trần Tu Viên là dựa trên cơ sở bài ca của họ Trương mà sửa đổi hoàn chỉnh thêm, công của họ Trương không mất. Giáo sư Phương Dược Trung, nhà Trung y chuyên gia nổi tiếng đương đại lại đem Thập vấn ca sửa đổi như sau; “Một hỏi hàn nhiệt hai hỏi hãn, ba hỏi đầu thân bốn hỏi tiện. Năm hỏi uống ăn sáu hỏi nằm, bảy hỏi tinh thần tám hỏi biến. Chín hỏi kinh sản mười hỏi nhân, từng bước hỏi han không nhầm lẫn”… có thể tham khảo.
10. Phụ nhân càng phải hỏi kinh kỳ. Ác lộ có hay không để nghiệm sản hậu.
Câu này là yếu điểm trong vấn chẩn phụ khoa, đến nay vẫn được coi trọng trong lâm sàng. Phụ nữ lấy việc điều kinh là yêu cầu đầu tiên, hành kinh quý ở đúng kỳ. Chu kỳ bình thường thì không dễ sinh bệnh. Người xưa từng nói “Phụ nữ lấy điều kinh là vô bệnh”. Nếu kinh nguyệt không bình thường, định kỳ, số lượng, mầu sắc, chất lượng nếu nảy sinh biến đổi là mắc bệnh, cần phải điều trị. Bệnh sau khi đẻ, quan trọng đầu tiên là ác lộ có hay không, đó là đặc trưng để chẩn đoán khí huyết của sản phụ có bình thường hay không. Nếu khí huyết không điều, các mạch Xung Nhâm không bền có thể dẫn đến “ác lộ ra không dứt”. Nếu khí trệ huyết ứ có thể dẫn đến “ác lộ không xuống” cuối cùng sẽ là cái nguồn ủ bệnh, đều phải lưu ý.
“Phụ nhân càng phải hỏi kinh kỳ” câu này cũng được Trần Tu Viên đề cập ở “Thập vấn ca”.
11. Bệnh khí nặng – thì tiểu tiện phải rít. Bệnh khí nhẹ – thì tiểu tiện thông dần.
Câu này lấy tiểu tiện thông hay rít làm căn cứ suy đoán nặng, nhẹ của bệnh tình, thật là kinh nghiệm quý. Kinh nói: “Bàng quang là chức quan châu đô, nơi chứa tân dịch, khí hoá từ đấy mà ra”, công năng chứa nước tiểu, bài tiết nước tiểu của Bàng quang phải nhờ vào khí hoá của Thận mới hoàn thành. Khi bệnh tình nghiêm trọng, công năng khí hoá của Thận không tốt, có thể dẫn đến tiểu tiện rít không thông. Khi xu thế bệnh tình chuyển biến tốt, khí hoá của Thận bình thường thì tiểu tiện cũng dần dần lưu thông dễ dàng, bệnh khí có thể theo đó mà ra. Danh ngôn này có ý nghĩa trọng yếu nhất là đối với chẩn đoán bệnh biến ở Hạ tiêu.
12. Mạch là cái gốc của sự thi trị
Câu này nêu tính trọng yếu về chẩn mạch để biện chứng luận trị tật bệnh. Kinh nói: “Thốn Khẩu là nơi đại hội của mạch” và: “Khí vị của năm Tạng sáu Phủ đều từ Vị mà ra, biến hoá thấy từ khí khẩu”. Chứng minh tạng phủ khí huyết có quan hệ mật thiết với mạch tượng. Vì vậy, bệnh biến của Tạng Phủ khí huyết tất nhiên cũng phản ánh lên mạch tượng ở thốn khẩu. Thông qua thiết mạch có thể phán đoán tính chất và bộ vị của bệnh, từ đó mà làm chỗ dựa cho việc dùng thuốc chữa bệnh, nên mới nói là “gốc của việc thi trị”. Đương nhiên, còn phải tham khảo vọng, văn, vấn mới đầy đủ.
13. Đạo lý lấy mạch, yên tĩnh là quý.
Quý ở đây cũng như quí báu, nói lên yêu cầu của việc xem mạch. Đạo lý của việc thiết mạch yêu cầu thầy thuốc bình tĩnh, dẹp bỏ những ý nghĩ phức tạp, thanh thản khoan thai suy nghĩ tỉ mỉ, mới có thể tìm được mạch tượng đúng đắn, rất bổ ích cho việc chẩn đoán. Rất kỵ sự nôn nóng hấp tấp, làm việc cẩu thả. Người xưa từng nói. “Khi xem mạch cần phải ung dung, tập trung suy nghĩ, điều hoà nhịp thở” mới có thể là đạo lý xem mạch chính xác.
14. Chẩn mạch nên biết Vị khí
15. Muốn biết bệnh tiến thoái lành dữ ra sao, chỉ nên lấy Vị khí là chủ yếu.
Hai danh ngôn trên, nêu tính trọng yếu khi xem mạch cần xem xét Vị khí. Vị khí có bình thường hay không là dấu hiệu trọng yếu về chính khí của cơ thể. Kinh nói: “Người ta lấy thuỷ cốc làm gốc, cho nên dứt thủy cốc thì chết. Mạch không có Vị khí cũng chết”. Khi chẩn mạnh xét Vị khí có thể lượng trước được bệnh tình nặng hay nhẹ, tiến hay thoái và tiên lượng cát hung. “Phép khám mạch, nếu hôm nay còn hoà hoãn, ngày mai căng gấp thì biết là tà khí càng tăng, tà càng tăng thì bệnh càng nặng. Bây giờ bệnh rất căng gấp, ngày mai dịu đi chút ít, biết là Vị khí trở lại dần, Vị khí đã đến thì bệnh nhẹ dần. Trong khỏanh khắc ấy, trước cấp sau hoãn, Vị khí đến. Trước hoãn sau cấp, Vị khí nó đi… Đấy là phép xem xét tà khí với chính khí tiến hay lui”. Thật là kinh nghiệm đáng bàn.
16. Còn Vị khí thì sống, không Vị khí thì chết
17. Phàm muốn xét bệnh, trước hết nên xét Vị khí. Phàm muốn chữa bệnh, trước hết nên chiếu cố Vị khí. Vị khí không tổn hại, mọi việc không đáng lo.
Vị khí mang hai hàm nghĩa. Một là chỉ Vị Trường lấy công năng tiêu hoá làm chủ. Hai là chỉ mạch có Vị khí, mạch đến không Phù không Trầm không nhanh không chậm, ung dung hoà hoãn, nhịp nhàng đều đặn, đó là có vị khí. Hai danh ngôn này nêu ra Vị khí khi khám bệnh mang tính trọng yếu trong chữa bệnh. Kinh nói: “Năm Tạng sáu Phủ đều bẩm thụ khí ở Vị”. Người ta lấy Vị khí làm gốc. Vô luận là công năng tiêu hoá của Vị Trường hay là Vị khí ở mạch, đều có quan hệ trực tiếp đến bệnh tình nặng nhẹ và tiện lượng chuyển qui, nó là chỉ tiêu trọng yếu trong việc khám xét bệnh chứng. Người xưa rất coi trọng điểm này, trong quá trình chữa bệnh luôn luôn chiếu cố. Bởi vì người ta sống là nhờ vào Vị khí, thuốc nhờ có Vị khí mới dẫn đi được; chữa bệnh không thể không chiếu cố Vị khí. Nếu vị khí đã suy, thì không thể lạm dụng thuốc đắng lạnh, hoặc dùng thuốc công phạt mãnh liệt làm tổn thương thêm Vị khí; cũng không nên chủ quan dùng các vị bổ nhớt, càng làm trệ Vị khí.
18. Đại khái chứng đã không đủ làm bằng, nên tham khảo cả mạch lý. Mạch lại không đủ làm bằng, nên xem xét bề chìm của mạch.
Mạch chẩn dựa vào vận dụng ba loại thủ pháp sự nặng nhẹ của chỉ lực và sự di chuyển khác nhau để phán đoán Cử (như ấn nhẹ, đặt nông) và Án (lấy nặng, lấy chìm), Trầm (không nặng không nhẹ, lấy ở đoạn giữa). Danh ngôn này nói lên việc đặt nặng tay làm căn cứ để phân biệt hư thực chân giả của mạch tượng đáng tin cậy. Lý Trung Tử giải thích: “Nếu phát hiện ra chứng giả, đều là ở Biểu. Cho nên đặt tay nhẹ cũng là giả. Chứng đích thực thì mạch ẩn náu, đều là ở Lý. Cho nên đặt nặng tay mới có thể phân biệt được mạch”. Đương nhiên còn phải kết hợp với các phép biện chứng khác như họ Lý đã nói: “Mạch phân biệt đã rõ còn chưa dám chắc, còn phải xem xét phú bẩm rắn chắc hay bạc nhược, bệnh tật cũ hay mới, thầy thuốc có sai lầm gì không, cuối cùng mới sử dụng thuốc sắc thuốc viên, mới có thể là thập toàn”.
19. Chứng có chân giả bằng vào mạch, Mạch có chân giả bằng vào lưỡi.
Câu này nêu quan điểm phải dựa vào khám lưỡi làm căn cứ phán đoán chân giả hư thực của chứng hậu là rất có lý. Chứng có chân giả bằng vào mạch thì như câu danh ngôn đã nói ở trên. Ngay như mạch tượng cũng có lúc khó phán đoán chân giả. Khám lưỡi thường có tác dụng mang tính chất quyết định – Bởi vì đầu lưỡi có những biến hoá rất nhạy, nó là cái thước đo phản ánh biến hoá ở bên trong có thể tin cậy tuyệt đối, và có rất ít giả tượng. Cho nên phản ảnh thịnh suy của chính khí và nông sâu của tà khí tương đương khách quan. “Đối với những tạp chứng nội hay ngoại dù không hình trạng chủ yếu, nhưng đều lộ rõ ở lưỡi, ở lĩnh vực nguy cấp nghi ngờ, thường gặp tình huống không phân được chứng, không án được mạnh, mà chỉ có thể lấy lưỡi làm bằng”. Tác phẩm “Lâm chứng nghiệm thiệt pháp” của Dương Vân Phong đời Thanh rất coi trọng luận điểm này.
20. Khám bệnh để quyết sống chết, không coi ở chỗ nặng hay nhẹ mà coi ở chỗ tồn vong của nguyên khí, thì trăm điều không sai một.
Câu này nêu lên dựa vào khám xét nguyên khí thịnh hay suy để biện chứng luận trị, có tính trọng yếu trong việc tiên lượng bệnh. Họ Từ khái quát là “nguyên khí tồn vong luận “đủ thấy ông rất coi trọng nguyên khí. Nguyên khí thịnh hay suy có quan hệ đến mạnh yếu sống chết của con người, cho nên họ Từ cho việc giữ gìn nguyên khí là “một ý nghĩa chủ yếu để cứu người của y gia”. Nguyên khí tổn hại lớn thì bệnh dẫu nhẹ cũng chết. Còn phương pháp thăm khám nguyên khí họ Từ cho là chủ yếu quan sát thần khí của người bệnh. Nguyên khí đầy đủ thì thần khí mạnh. Nguyên khí hư thì thần khí suy. Đó là lời nói rất có ý nghĩa chỉ đạo trong công tác biện chứng thi trị.