Khi học nghề y, phải nên thấu suốt cả nho lý. Một khi đã thông lý đạo nho rồi, thì học y sẽ được dễ dàng hơn. Khi nhàn rỗi, đem các sách của các bậc minh y kim cổ ra đọc luôn không rời tay, tìm hiểu cặn kẽ từng nét cho sáng tỏ rõ ràng, cho nhuần nhuyễn nhậy bén. Lượm được vào lòng, sáng hiểu ở mặt nhận xét, tự nhiên [Khi làm sẽ] cảm ứng ra tay, mà không có sự sai lệch.[Nếu cùng một lúc] có nhiều người nhà của bệnh nhân mời đi thăm bệnh, nên tùy mức bệnh nào gấp thì tới trước bệnh nào hoãn thì tới sau, không nên coi trọng kẻ giàu sang mà tới trước, xem nhẹ kẻ nghèo hèn lại đến sau, hoặc trong việc dùng thuốc lại còn phân biệt kẻ hơn người kém. Nếu lòng không thành thực, thì khó công hiệu của sự cảm ứng.
Khi thăm bệnh các phụ nữ hoặc ni cô, gái góa, phải có người khác bên cạnh, rồi hãy vào buồng xem bệnh, để ngăn ngừa sự ngờ vực, kể cả đối với những người kỹ nữ, cũng phải giữ gìn lòng cho ngay thẳng, coi họ như con em trong gia đình nề nếp, không được chớp nhả chút nào, để mang lấy tiếng bất chính và mắc phải quả báo của sự tà dâm.
Đã là thầy thuốc, nên nghĩ tới lợi ích cho người làm đầu, không nên tùy ý cầu vui, mang rượu trèo non, chơi bời ngắm cảnh, nhỡ khi vắng mặt ở nhà, có người đến cầu cứu bệnh nguy cấp, thì phụ lòng trông mong của họ, lỡ nguy hại đến mình. Vậy cần phải biết nhiệm vụ của mình trong việc làm.
Khi gặp những chứng nguy cấp, ta muốn dốc sức cứu chữa là ý nghĩ tốt, nhưng cần phải nói rõ ràng cho gia đình người bệnh biết [sau đó] mới cho uống thuốc, họ sẽ phải dốc tiền vào lo thuốc. Nếu thuốc có công hiệu, người ta cảm ơn, nếu như không công hiệu thì họ cũng không [đem lòng] ngờ vực, oán trách vào ta, mà ta cũng không hổ thẹn [về việc đã làm]. Về việc sắm sửa thuốc men, phải biết lựa chon thuốc tốt giá cao, xét kỹ phép bào chế của Lôi Công đã lập ra, theo đúng mùa mà chế biến, cất giữ. Có lúc nên theo đúng phương để hợp chế, có khi phải nên tùy thời, tùy bệnh mà gia giảm. Về cách lập phương thì nên phòng theo những ý tinh vi của các cổ triết, chớ nên cẩu thả tùy tiện phối hợp phương thuốc lạ, để thử người. Thuốc thang, thuốc tán nên có sẵn sàng, thuốc hoàn, thuốc đan nên chế sẵn, mới có thể kịp thời dùng cho tùy từng bệnh, để khi cần tới không bị bó tay.
Khi gặp những người cùng nghành nghề, rất nên khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ, xem lờn. [Đối với] người tuổi cao thì nên cung kính. Đối với người có học thì phải tôn thờ như bậc thầy. Đối với kẻ kiêu ngạo thì nên nhún nhường. Đối với người còn non nớt thì nên dắt díu. Giữ lòng đức hậu như vậy, là điều phúc lớn.
Khi thăm bệnh cho nhà nghèo túng và những người cô đơn quạnh lẽ càng phải nên đặc biệt chú ý. Bởi lẽ, kẻ giàu sang thì không thiếu gì người săn sóc, còn người nghèo hen không đủ sức mời mọc người danh y, vậy thì ta ngại gì chẳng đem chút lòng thành thực để giúp người giành lại cuộc sống. Còn như những người con hiếu vợ hiền, vì nghèo quá mà sinh đau ốm, thì ngoài việc cho không thuốc ra, còn nên tùy khả năng mình mà giúp đỡ thêm, bởi lẽ nếu có thuốc mà không có ăn thì cũng sẽ bị chết, phải lo cho họ sống trọn vẹn mới là nhân thuật. Đến như là du đãng tay chơi bời mà nghèo ốm thì cũng chẳng cần thương tiếc.
Sau khi người bệnh đã khỏi, chớ nên đòi lễ hậu. Bởi vì khi nhận biếu thường sinh ra nể sợ người ta, huống hồ kẻ giàu sang lại hay mừng giận bất thường. Hễ cầu vinh thường dễ bị nhục, làm vui lòng vừa ý người ta để mưu đồ lấy lợi nhiều thì lại càng có nhiều biến sinh không tốt. Cho nên [đã tự nguyện theo đòi] cái thuật thanh cao thì [tự mình] càng phải xây dựng [cho mình] cái khí tiết thanh cao.
Phần tôi, nghe theo lời dạy bảo của người xưa, giữ lòng từ thiện, đức hiếu sinh được đầy đủ. Đạo y là một nhân thuật, chuyên lo tính mệnh con người, [phải biết] lo lắng cái lo của người, cùng vui với cái vui của người, chỉ lấy việc làm sống người làm phận sự của mình, không được mưu lợi, kể công. Tuy không có sự báo đáp thực cũng có được âm chất (để đức). Ngạn ngữ có câu: “Ba đời là nghề y, về sau sẽ có người làm khanh tướng”. Há chẳng phải là do tự nghề đó mà vun trồng nên cái địa vị đó sao. Tôi thường thấy những thầy thuốc đời nay, hoặc nhân lúc cha mẹ người ta gặp cơn nguy cấp sợ hãi, hoặc bất đắc dĩ người ta trong cơn mưa đêm tối khó khăn, gặp bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dói lừa người để đạt sự mưu cầu của minh, là đã có sự dụng ý không tốt. Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong lấy lợi, đối với người kho thì lạnh nhạt, thờ ơ với sự sống chết. Than ôi! Đổi nhân thuật thành chước dối lừa, thay lòng nhân đức ra lòng buôn bán, khiến người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được.
Tôi đã cất nẻo công danh, vui tình mấy nước. Người xưa nói: “Không làm được tướng giỏi cũng làm một ông thầy hay”. Cho nên mong muốn dốc hết sức vào cái việc đáng làm, nhấn sâu vào việc bác ai tế độ để làm nguyện vọng của lòng ngô hầu không còn hổ thẹn, khi ngửa nhìn trời, cúi nhìn đất. Song khi gặp bệnh coi chừng không cứu được [thì đành chịu] là tại mệnh trời, nến còn có thể xoay xở được lại bó tay dửng dưng mặc bệnh diễn biến mà không chịu dốc sức, hết lòng, chỉ thở vắn than dài, không làm gì hết. Tần Việt Nhân nói: “Coi trọng tiền tài, xem thường tính mệnh là điều bất trị thứ hai. Ăn và mặc không được đầy đủ là điều bất trị thứ ba….” Gặp phải những người như vậy, họ xem nhẹ mà ta lại coi trọng họ, họọ không đủ ăn mặc mà ra lại lo cho chu đáo thì lo gì mà không cứu chữa được. Ôi! Thật khó lòng vẹn cả đôi đường hằng sản và hằng tâm, khả năng không theo được như ý muốn, cũng là điều thiếu sót quá nửa [trong nhiệm vụ] của y thuật.