Nghẹt mũi, tắc mũi, chảy nước mũi là những vấn đề mà nhiều người gặp phải khi thời tiết chuyển lạnh, gây ra không ít phiền toái cho nhiều người. Day ấn ba huyệt vị dưới đây là cách đơn giản, an toàn và nhanh chóng để giải quyết vấn đề trên.
Nghinh hương
Nghinh có nghĩa là đón tiếp, Hương có nghĩa là mùi thơm, tác động vào huyệt này có tác dụng tuyên lợi tị khướu (khướu giác ở mũi) nên có tên là Nghinh hương. Theo Sách “Châm cứu giáp ất kinh” và “Châm cứu đại thành”, huyệt Nghinh hương là chủ huyệt trong điều trị mũi không thông, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Vị trí huyệt: điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi-má.
Ấn đường
Huyệt Ấn đường nằm ở chính giữa đường nối hai đầu lông mày, ở giữa sống mũi thẳng lên.
Huyệt có tác dụng định thần chí, đuổi phong nhiệt, chủ trị trong những trường hợp cảm cúm, nhức đầu, nghẹt mũi.
Hợp cốc
Theo Đông y, Hợp cốc, còn gọi là Hổ khẩu, là huyệt nguyên trên kinh Dương mình đại trường nên có tác dụng rất lớn, khi tác động vào huyệt sẽ gây biến đổi to lớn theo kinh Dương minh, mà kinh Dương minh đại trường có quan hệ biểu lý với kinh Phế (phổi) và đi lên vùng mặt, chạy lên môi trên nên có tác dụng chữa bệnh về hô hấp, trong đó có tắc mũi, chảy nước mũi.
Lưu ý: Huyệt Hợp cốc khi ấn còn có tác dụng làm co bóp tử cung nên không được dùng cho phụ nữ có thai.
Cách bấm huyệt: Dùng ngón tay (thường là ngón tay cái hoặc trỏ) day bấm vào đúng huyệt vị với lực mạnh vừa đủ sao cho tại vị trí huyệt có cảm giác căng, tức. Giữ lực ấn như thế trong khoảng 30 giây rồi chuyển sang vị trí huyệt mới. Làm lần lượt các huyệt vị như thế 3-5 lần, huyệt Nghinh hương và Hợp cốc cần bấm lần lượt cả 2 bên.
Đây là cách làm nhanh và đơn giản để giải quyết tắc mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Tuy nhiên với bất cứ dấu hiệu nào của bệnh tật chúng ta cũng không nên chủ quan, mọi người vẫn nên đi khám để có chẩn đoán và hướng điều trị sớm khi có những triệu chứng trên, đặc biệt là khi các triệu chứng lặp lại nhiều lần.
Thác Chi
1 bình luận
Rất hay