Thực ra thì mình định viết bài này từ rất lâu rồi, nhưng ngặt nỗi một phần cũng bận, một phần cũng do lười nên mãi chưa có viết. Đợt này nhân tiện mùa vu lan, mình ăn chay, cũng nhân tiện thải độc đường ruột luôn, nên quyết định viết bài chia sẻ cho mọi người về tầm quan trọng của đường ruột – tràng đạo của cơ thể, và những hệ quả khi tràng đạo không thông suốt.
Nhắc tới thải độc đường ruột, nhiều người vẫn thường xuyên làm, có thể mỗi năm 1-2 lần, và ai cũng biết rằng, đường ruột rất quan trọng, nếu nó mà tích tụ độc tố thì sẽ không tốt cho cơ thể. Nhưng mà để đi sâu vào vấn đề không tốt như thế nào, cơ chế ảnh hưởng ra làm sao thì không thấy ai nói cả, chỉ nói một cách chung chung. Hôm nay, Bình sẽ phân tích vấn đề này để mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn, trên góc độ đông y, dựa trên y lý và các mối quan hệ giữa các tạng phủ. Và từ giờ, từ “đường ruột” mình sẽ thay bằng từ “trường đạo”, để cho thống nhất với các thuật ngữ âm dương, ngũ hành, tạng phủ của đông y.
Đông y quan niệm cơ thể chúng ta có ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) và lục phủ (tiểu trường, đại trường, đởm, bàng quang, vị, tam tiêu), và giữa tạng và phủ luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ở đây mình sẽ nhấn mạnh vào hai phủ tiểu trường (ruột non) và đại trường (ruột già) – tức trường đạo của chúng ta và hệ quả khi hai phủ này bị bệnh.
Nói về lục phủ, có một câu khái quát: “tả nhi bất tàng, thực nhi bất mãn”. Lục phủ thuộc dương, chủ động, cho nên lục phủ lấy thông làm dụng, truyền hóa vật mà không được tàng trữ lại. Lục phủ nếu như không thông mà tàng trữ lại, ắt sẽ sinh bệnh. Ví dụ như đởm uất tích hình thành nên sỏi mật; trong vị (dạ dày) đồ ăn mà đình trệ sẽ dễ bị đầy bụng; tam tiêu không thông ắt thủy dịch nội ngừng mà dễ bị phù,…Và dĩ nhiên, tiểu trường và đại trường thuộc phạm trù của lục phủ, cũng lấy thông làm dụng, lúc nào cũng cần được thông suốt, nếu không thông thì rất dễ tích tụ độc tố mà sinh bệnh.
Đầu tiên, chúng ta hãy nói đến đại trường – nơi đào thải phân của cơ thể, đại trường không thông, ắt dễ bị táo bón, đây là một cái chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhất. Đông y quan niệm rằng, phế (phổi) và đại trường có mối quan hệ biểu lý với nhau. Nhắc tới phế, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới chức năng của nó: chủ tuyên phát và túc giáng; chủ khí; chủ da lông,…Khi phế có bệnh, ắt sẽ ảnh hưởng tới đại trường, và ngược lại, khi đại trường có bệnh, ắt ảnh hưởng đến phế. Để mình lấy một ví dụ cho mọi người dễ hình dung nhé. Có rất nhiều bệnh nhân phế hỏa tương đối nặng, sẽ rất dễ dàng bị táo bón. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi phế hỏa thiên thịnh sẽ hạ di xuống đại trường, lúc này trường đạo hỏa tà nhiều, hỏa tà sẽ làm tổn thương tân dịch ở trường đạo, khiến phân khô cứng lại, lúc này đại tiện sẽ khô táo giống như phân dê, sẽ rất khó đại tiện. Bệnh nhân kiểu này cực kì nhiều, chỉ cần ăn chút đồ cay, sẽ rất dễ dàng phát tác. Lúc này chúng ta chỉ chần uống vài thang thuốc giáng phế hỏa, thường thường đại tiện sẽ thông suốt trở lại.
Ở chiều ngược lại, khi đại trường truyền đạo dị thường, cũng sẽ ảnh hưởng tới chức năng của phế. Ví dụ như bệnh nhân bị táo bón trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới chức năng liễm giáng của phế, lúc này rất dễ xuất hiện triệu chứng phế khí thượng nghịch, dễ dàng bị ho, nhất là khi nhiễm phải hàn khí, càng dễ dàng ho dai dẳng không khỏi. Nguyên nhân đơn giản bởi vì bệnh nhân táo bón lâu ngày, đại trường mạch thực, dẫn đến phế khí bất giáng, uất tích hóa hỏa, tổn thương âm dịch, âm dịch khuy hư, nay lại cảm thụ hàn tà, phế khí tuyên phát túc giáng càng thất điều, khí cơ thượng nghịch, do đó ho dai dẳng mãi không khỏi. Lúc này điều trị ngoài giải biểu hàn còn cần thông tiện. Những bệnh nhân thế này ở phòng khám chân như gặp khá nhiều, và Bình đều dùng pháp này để trị, hiệu quả đều mỹ mãn.
Bây giờ chúng ta hãy nói về tiểu trường – nơi “thụ thịnh hóa vật” của cơ thể. Tương tự phế và đại trường, thì tâm và tiểu trường có mối quan hệ biểu lý với nhau. Khi tâm tạng có bệnh sẽ ảnh hưởng đến tiểu trường và ngược lại. Ví dụ, rất nhiều bệnh nhân do ăn uống sinh hoạt không kiêng cữ dẫn tới tiểu trường thụ hàn mà không thông sướng, từ đây dễ dàng xuất hiện triệu chứng tâm quý (tim đập nhanh, hay hốt hoảng, hồi hộp, đánh trống ngực,..). Tại sao lại vậy, tiểu trường thụ hàn, hàn tính co lại, khiến cho đường liên lạc biểu lý của tâm và tiểu trường bị bế trở, tâm không thể vận chuyển kinh khí đến tiểu trường, lúc này dễ dàng xuất hiện tâm hoảng. Tâm tạng vốn không bệnh, chỉ vì do tiểu trường mà bị bệnh thôi. Ở chiều ngược lại, khi tâm hỏa suy yếu, tiểu trường cũng sẽ dễ bị hàn tà xâm nhập, lúc này công năng thụ thịnh hóa vật sẽ bị giảm sút.
Cho nên có thể nói rằng, tâm phế muốn khỏe thì trường đạo phải khỏe mạnh thông suốt. Nếu trường đạo một khi bị bế tắc không thông sướng, ắt ngũ tạng sẽ bị ảnh hưởng mà sinh bệnh. Đọc dến đây chắc mọi người đã hiểu được mối quan hệ biểu lý giữa tâm phế và đại tiểu trường rồi, và sự ảnh hưởng khi một bên bị bệnh sẽ ảnh hưởng bên còn lại. Đến đây mình sẽ tiếp tục phân tích một dạng bệnh nhân rất hay gặp trên lâm sàng mà nguyên nhân chính cũng từ trường đạo không thông: viêm da cơ địa.
Bệnh nhân bị viêm da cơ địa, không phải tất cả nhưng khá nhiều bệnh nhân nguyên nhân do trường đạo không được thông suốt mà gây ra. Tại sao lại như vậy. Chúng ta đều biết rằng, khi chúng ta ăn đồ ăn thức uống, cơ thể sẽ hấp thu các chất cần thiết cho cơ thể, còn những trọc khí độc tố, sẽ được cơ thể đào thải ra bên ngoài thông qua trường đạo. Vậy khi trường đạo bế tắc không thông sướng, những trọc khí độc tố này đi đâu? Dĩ nhiên sẽ đình lưu lại trong cơ thể, từ đó gây bệnh, không chỉ một bệnh mà là rất nhiều bệnh, ví dụ như: mỡ máu, viêm da, khối u,…
Để mình giải thích cơ chế một chút nhé. Đầu tiên hãy nói về viêm da cơ địa. Nhắc đến viêm da, mọi người hãy nhớ cho mình hai câu sau: “phế chủ da lông” và “chư thống dương sang, giai chúc vu tâm”. Vế đầu rất dễ hiểu, phế chủ về da lông, khi phế bệnh, da lông sẽ bị ảnh hưởng. Xét trong trường hợp này, phế và đại trường quan hệ biểu lý, khi trường đạo trọc khí độc tố đình lưu lại mà không ra ngoài cơ thể được, phế biểu sẽ xuất hiện vấn đề, và từ đó da lông sẽ xuất hiện vấn đề. Phế chủ tuyên phát túc giáng, tuyên phát thanh khí nuôi dưỡng da lông bì phu cơ nhục, túc giáng thủy thấp hạ quy bàng quang, nay chức năng này bị ảnh hưởng, một phần thủy thấp không được hạ giáng sẽ ở dưới da, kết hợp thêm nhiệt độc mà gây bệnh. Cho nên rất nhiều bệnh nhân viêm da nguyên nhân là trường đạo có vấn đề. Lúc này chỉ có trường đạo thanh trừ sạch sẽ trọc khí độc tố, phế cùng đại trường biểu lý đạt thấu, viêm da mới có thể điều trị tốt.
Ở vế thứ hai, “chư thống dương sang giai chúc vu tâm” – các chứng ngứa lở loét đều thuộc về tâm. Tâm chủ hỏa, chủ huyết mạch. Thủy thấp là âm tà, âm tà sợ nhất là gì? Là dương. Khi tâm dương suy vi, thủy thấp sẽ thiên thịnh, thủy tẩu dưới da mà gây viêm da. Huyết mạch không thông sướng, huyết cũ không đi huyết mới không sinh, cũng sinh các bệnh lý về da. Lúc này, khi tràng đạo không thông sướng, tâm tạng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu như tràng đạo thông suốt, tâm dương có thể bố đạt dương khí của tâm du bố, lúc này mới có thể đem thủy thấp rác rưởi cặn bã bài xuất ra ngoài cơ thể. Từ đó bệnh tình mới có thể thuyên giảm.
Còn có một mối qian hệ nữa mà mình chưa nhắc đến – mối quan hệ biệt thông giữa tỳ và tiểu trường cũng ảnh hưởng viêm da. Phân tích ra sẽ hơi dài, nhưng mọi người có thể hiểu rằng, trường đạo mà bất thông, trọc khí độc tố đình lưu, sẽ rất dễ sinh ra bệnh viêm da cơ địa. Lúc này thông trường là một việc cực quan trọng, tất nhiên, thông thế nào là một điều có học vấn, không phải cứ công hạ là được, cái này sẽ bàn sau.
Ngoài ra, như mình nói ở trên, khi trường đạo bất thông rất dễ sinh ra khối u. Tại sao lại vậy. Rất đơn giản, trường đạo uất trệ bất thông, trọc khí độc tố đình lưu, không thể bài xuất ra ngoài, uất bế dương khí, hóa sinh đàm nhiệt trọc khí, nghịch truyền ngũ tạng, lâu dần sẽ dễ dàng sinh ra khối u. Lục phủ lấy thông làm dụng. Trên lâm sàng điều trị khối u, có một việc rất quan trọng là cần làm sao cho tràng đạo thông suốt, tỳ vị được kiện vận, nếu không mà chỉ chăm chú và dùng thuốc bổ thì dễ dàng dung dưỡng tà khí, lợi bất cập hại.
Đấy, mọi người thấy chưa, viêm da có một phần quan hệ rất lớn với việc trường đạo có được thông suốt hay không. Một khi không thông, sẽ sinh rất nhiều bệnh. Tiếp tục nhé, não là phủ kỳ hằng, nơi hội tụ thanh dương, nên gọi nó là “thanh không chi phủ”. Hoàng Đế Nội Kinh viết: “thanh dương xuất thượng khiếu, trọc âm xuất hạ khiếu”. “Trọc” ở đây tức chỉ những trọc khí, độc tố, vật dơ bẩn, và nó phải được đi ra ở hạ khiếu (đại tiểu tiện). Nếu như lúc này trường đạo bất thông, trọc khí thượng nghịch sẽ xâm phạm “thanh không chi phủ”, từ đó dễ dàng xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tiền đình,..
Chúng ta có thể hiểu đơn giản, một khi mà trường đạo chúng ta bị bế tắc, trọc khí đình lưu thì sẽ sinh ra biết bao nhiêu là bệnh, đấy là mình còn chưa bàn đến mối quan hệ biệt thông giữa can và đại trường nữa, vì bài viết đã quá dài, có dịp mình sẽ nói kĩ hơn. Cho nên có thể nói rằng, luôn luôn đảm bảo trường đạo thông suốt không bị tích tụ trọc khí độc tố rất quan trọng. Bởi khi trường đạo bất thông thì khí cơ rất dễ dàng nghịch loạn, và ngược lại, khi khí cơ nghịch loạn cũng dễ khiến trường đạo bất thông.
Phàm sống trên đời thì chúng ta phải ăn uống để nuôi dưỡng thân thể. Thời đại ngày nay, điều kiện sống đầy đủ, nên việc ăn uống quá đà thừa dinh dưỡng đang rất thường gặp, giờ ăn nào cũng có đầy đủ thịt cá, chưa kể rượu bia uống vô độ. Đã thế lại còn làm công việc văn phòng, ít vận động tay chân. Và cũng từ đây, đàm trọc, huyết ứ, khí uất sinh ra mà làm cho trường đạo dễ dàng bị bế tắc không thông sướng. Cho nên, việc thỉnh thoảng thải độc làm cho trường đạo thông suốt cũng là một việc khá quan trọng, nếu muốn có mốn sức khỏe tốt về lâu dài. Nhưng thải độc như thế nào mới là điều quan trọng,
Đọc đến đây chắc những ai học đông y cũng sẽ bĩu môi: “ôi, tưởng thế nào, trường đạo uất bế thì công hạ là xong, làm vài thang tiểu thừa khí thang, đại thừa khí thang là được chứ gì”. Nếu đơn giản thế thì ai chả làm thầy thuốc được. Đại tiện bất thông hoặc những bệnh cấp tính do nhiệt tà gây ra, dùng tí Đại hoàng kiểu gì triệu chứng chả đỡ. Nhưng đỡ rồi là một chuyện, nguyên khí bệnh nhân sau khi dùng xong còn lại bao nhiêu lại là chuyện khác.
Quan điểm cá nhân của mình, muốn thải độc đường ruột, cần cân nhắc làm được ba điều sau:
- Thông được trường đạo, bài xuất được trọc khí, đàm thấp ứ ra khỏi cơ thể.
- Điều hòa khí cơ thăng giáng về trạng thái chính thường. Nếu sau khi thải độc, dù độc tố được đẩy ra nhưng lại khiến khí cơ càng nghịch loạn thì không nên làm.
- Kiện vận được tỳ vị. Tỳ vị nằm ở trung tiêu, là đầu mối then chốt của sự thăng giáng xuất nhập. Chúng ta cần phải hiểu một điều rằng, tỳ vị hư suy, trung tiêu bất vận, vị thất thông giáng thì đàm thấp trọc ứ mới dễ dàng sinh ra, từ đó khiến trường đạo bị bế tắc, và ngược lại. Tỳ vị khỏe mạnh, trung tiêu vận chuyển, thì tỳ thổ có thể làm chức năng hóa vật, các loại khí uất, ứ huyết, đàm trọc, thực tích thậm chí u độc nơi tỳ vị đều có thể vận hóa, từ trường đạo mà bài xuất, lúc này, cho dù không cần dùng thuốc hoạt huyết hóa ứ, ứ trệ cũng có thể tiêu trừ. Cho nên, tỳ vị là tối quan trọng. Nếu sau khi thải độc, tỳ vị càng kém đi thì cho dù độc tố có được đẩy ra được chút ít thì nhất quyết cũng không được làm, đây khác nào hành động tự tìm đường chết đâu. Thông thường dùng những tuấn tễ công hạ, ắt tổn hao trung khí, nên đức Trọng sư luôn dặn, đại tiện ra được thì ngừng ngay, nhất quyết không thể dùng lâu, tai hại cực kì.
Đấy là ba điều quan trọng, nếu quá trình thải độc mà ảnh hưởng một trong ba điều trên, thì cân nhắc không làm, đặc biệt là điều số 3 – mình nhắc đi nhắc lại điều này, vì tỳ vị cực cực kì quan trọng.
Cho nên mọi người nếu muốn theo một phương pháp thải độc nào đó, cần cân nhắc đối chiếu xem phương pháp đó đáp ứng ba điều trên hay không. Nếu thấy đáp ứng được, có thể áp dụng. Còn nếu như chưa biết phương pháp nào hay cách thải độc như thế nào, thì có thể dùng liệu trình thuốc thải độc của phòng khám Chân Như nhé, đều đảm bảo được cả ba yếu tố trên, vừa điều hòa khí cơ, vừa kiện vận tỳ vị, vừa đào thải trọc khí, thải độc nhưng không ảnh hưởng tới chính khí, phương thang tác dụng hòa hoãn.
Đôi điều chia sẻ với mọi người, chúc mọi người ngày mới an lạc và có một mùa vu lan ý nghĩa.