Đọc đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ trong đầu một điều rằng: canxi quan trọng với cơ thể như vậy thì chúng ta cứ thường xuyên uống các viên uống bổ sung canxi, kiểu gì cơ thể cũng sẽ khỏe lên. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì mình xin chia buồn rằng đó là một quan điểm rất sai lầm. Và mình cũng xin nhấn mạnh một điều: canxi rất quan trọng, nhưng lại không thể tùy tiện bổ sung canxi. Tại sao lại vậy? Vì khi dư thừa canxi sẽ sinh ra một vài hệ quả khác. Hệ quả đó là gì?
Có rất nhiều bệnh nhân bị đau nhức xương khớp, đến phòng khám Chân Như và nói rằng: “bác sĩ, tôi bị đau lưng và chân quá, đi khám bác sĩ kết luận bị thoái hóa và loãng xương, tôi đã bổ sung thêm canxi rồi nhưng bệnh tình không tiến triển nhiều.” Hay như một vài bệnh nhân bị chuột rút, hoặc cá biệt có vài người còn bị cơn tetanin (cơn hạ canxi huyết cấp tính), họ đã từng đi khám rất nhiều nơi, ở đâu cũng kết luận rằng thiếu canxi. Và dĩ nhiên phác đồ điều trị là bổ sung canxi. Tuy nhiên, những bệnh nhân này chia sẻ, lúc đầu uống có thể triệu chứng có giảm nhẹ, nhưng ngừng thuốc thì bệnh đâu lại vào đấy. Tại sao lại như vậy? Hôm nay, mình sẽ phân tích một chút tình trạng thiếu canxi của cơ thể và tại sao chúng ta uống bổ sung canxi vào nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn. Trước tiên, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu vai trò, nguồn cung cấp cũng như quá trình hấp thu và đào thải của canxi trong cơ thể.
Đầu tiên, chúng ta cần phải biết rằng, canxi là một loại khoáng chất có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Trong cơ thể Canxi chiếm 1,5 – 2% trọng lượng cơ thể, 99% lượng canxi tồn tại trong xương, răng, móng và 1% trong máu. Canxi kết hợp với phospho là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng.
Và canxi có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Cụ thể, canxi trong máu cần được duy trì ở mức ổn định để đảm bảo cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh cơ (cơ tim, cơ bắp, mạch máu). Bên cạnh đó, canxi còn tham gia vào quá trình đông máu, cầm máu và bài tiết enzym. Ngoài ra, canxi cùng với phosphat và vitamin D cùng nhau tham gia vào quá trình phát triển của răng và xương, làm cho răng và xương luôn được chắc khỏe.
Chính vì Canxi có vai trò hết sức quan trọng kể trên mà việc thiếu canxi gây ra rất nhiều bệnh lý đối với cơ thể như: thiếu canxi gây ra bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi, đặc biệt là bắt đầu xuất hiện ở phụ nữ tiền mãn kinh, các bà mẹ mang thai nếu thiếu canxi thì sau khi trẻ ra đời có thể khiến trẻ bị còi xương. Ngoài ra, khi nồng độ canxi trong máu giảm sẽ dễ gây nên triệu chứng co cơ, xuất hiện tình trạng chuột rút, nặng hơn nữa có thể xuất hiện cơn Tetanin (cơn co cứng cơ ở đầu chi và mặt, bàn tay, cẳng tay, bàn chân co quắp, cơ thanh quản bị co thắt dẫn đến tình trạng khó thở…)….. Đối với những bệnh lý liên quan đến thiếu canxi này thì phương án hàng đầu vẫn là bổ sung Canxi và Vitamin D (giúp hấp thu Canxi).
Để hiểu được vấn đề này chúng ta cần phải hiểu được quá trình hấp thu, dự trữ và đào thải canxi như thế nào? Quá trình này vô cùng phức tạp, bao gồm sự có mặt của nhiều cơ quan như cơ quan tiêu hóa, xương, thận, ngoài ra còn có cả tuyến cận giáp nữa. Để cho mọi người dễ hiểu nhất và có cái nhìn tổng thể nhất mình sẽ cố gắng nói một cách tổng quan và ngắn gọn nhất.
Đầu tiên, chúng ta cần phải biết rằng cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất canxi, và canxi trong cơ thể có nguồn gốc ngoại sinh từ thực phẩm ăn uống hằng ngày hoặc viên uống bổ sung canxi. Khi chúng ta ăn đồ ăn thức uống có chứa canxi vào, chúng sẽ được hấp thu 1 phần tại ruột dưới tác dụng của vitamin D3, phần còn lại sẽ được đào thải qua phân. Sau khi được hấp thu, canxi sẽ đi vào cơ thể và phân bố ở hệ tuần hoàn để tham gia vào hoạt động của hệ thần kinh cơ (cơ tim, mạch máu, cơ bắp), phân bố ở hệ xương để tham gia quá trình tạo xương,… Ion Canxi trong máu sau đi khi đi quan thận sẽ được tái hấp thu một phần, và một phần sẽ được đào thải ra ngoài bằng đường tiểu tiện. Ngoài ra còn có 1 hormon PTH (của tuyến cận giáp) làm tăng nồng độ ion canxi trong máu bằng cách giải phóng canxi dự trữ trong xương và làm tăng các tế bào hủy cốt bào (tăng phá hủy xương để giải phóng canxi, do đó cường cận giáp có thể gây loãng xương).
Đó là quá trình hấp thu, dự trữ và đào thải canxi. Vậy khi quá thừa canxi sẽ dẫn đến hệ quả gì. Đó chính là tình trạng lắng đọng canxi và tạo thành sỏi tiết niệu. Ngoài ra dư thừa canxi còn ảnh hưởng đến tiêu hóa như gây đầy chướng bụng, táo bón, rối loạn nhịp tim,..Hãy nhớ một điều rằng, chỉ bổ sung canxi khi thực sự cần thiết và có sự hướng dẫn của bác sỹ nhé.
Quay trở lại với chủ đề bài viết: khi thiếu canxi có thực sự cần thiết bổ sung canxi hay không? Và tại sao có rất nhiều bệnh nhân bị xương khớp, chuột rút, họ thường xuyên uống bổ sung thêm canxi, trong thời gian uống thuốc bệnh tình có thể thuyên giảm, nhưng sau khi ngừng uống thuốc là lại bị lại. Và tại sao có những bệnh nhân bị cơn Tetanin, họ vẫn bổ sung canxi đều đặn hằng ngày, nhưng thi thoảng bệnh vẫn tái phát.
Để trả lời cho câu hỏi này thì mình sẽ lấy cho mọi người một ví dụ để mọi người dễ hiểu. Nếu như chúng ta đổ nước vào một chiếc thùng, mà chiếc thùng ấy bị thủng một lỗ, khiến cho nước suốt ngày bị rò rỉ chảy ra bên ngoài, thì sẽ dẫn đến hệ quả gì ah. Đó chính là sẽ khiến cho chiếc thùng ấy không bao giờ có thể chứa đầy nước được, vì nước cứ mỗi giờ mỗi phút đều rò rỉ chảy ra bên ngoài. Tương tự như vậy, chúng ta hãy xem thân thể chúng ta là chiếc thùng, nước chứa trong chiếc thùng kia chính là canxi. Nếu trên thân thể chúng ta xuất hiện một lỗ thủng, vậy canxi chúng ta bổ sung vào liệu rằng có giữ lại được không? Câu trả lời chắc chắn là không rồi. Vậy lỗ thủng rò rỉ ấy là cái gì trên cơ thể chúng ta? Đó chính là hệ tiêu hóa và thận.
Canxi được hấp thu một phần tại ruột, vậy nếu như hệ tiêu hóa của chúng ta hấp thu không tốt thì chúng ta ăn những thực phẩm giàu canxi hay uống các viên uống bổ sung canxi vào cũng sẽ không hấp thu canxi tốt được. Còn thận thì sao? Thận có chức năng tái hấp thu canxi, nếu như chức năng của thận không tốt cũng sẽ không tái hấp thu canxi được.
Đó là đứng trên quan điểm của y học hiện đại, còn với đông y thì sao. Nếu ai tìm hiểu và học đông y thì đều biết một điều rằng, tạng thận có một chức năng rất quan trọng, đó chính là “thận chủ phong tàng, chủ cốt tủy”. Và điều cốt lõi mình muốn nói đến chính là nằm ở câu nói này.
Thận chủ cốt tủy thì dễ rồi, đơn giản là phần xương tủy trong cơ thể chúng ta đều do thận làm chủ. Còn thận chủ phong tàng là sao. Phong tàng ở đây có thể hiểu đơn giản là phong tàng năng lượng, không cho năng lượng bị thất thoát ra ngoài. Đó là nói về chức năng của thận. Từ đây chúng ta có thể thấy một điều rằng, nếu như thận khỏe thì sẽ làm tốt chức năng của nó, từ đó mà cốt tủy chắc khỏe, cân cốt linh hoạt. Nếu thận hư, chức năng phong tàng sẽ không tốt, hiển nhiên Canxi sẽ bị rò rỉ ra ngoài bằng đường tiểu tiện. Thận hư, lực phong tàng không đủ, cốt tủy ngoại tràn, hình thành “tủy dật chứng”, từ đấy hình thành nên gai xương mà Tây y nói đến. Thận hư cốt tủy thất dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương, đau mỏi lưng gối. Ngoài ra thận hư quá trình khí hóa bài tiết thủy dịch sẽ gặp vấn đề, thận hư thủy thấp nội sinh, thấp tà đình lưu ở cơ nhục sẽ gây ra tình trạng co cơ mà xuất hiện chuột rút, điều này đã được nhắc đến một trong mười chín điều bệnh cơ của Hoàng Đế Nội Kinh: chư kinh hạng cường, giai chúc vu thấp.
Tổng kết lại, mình muốn nhấn mạnh với mọi người một điều rằng: điều trị thiếu canxi, chủ yếu nhất không phải là bổ sung canxi, mà là giảm thiểu tình trạng “rò rỉ canxi”. Trong đồ ăn thức uống hàng ngày của chúng ta, những thực phẩm thông thường đều hàm chứa canxi rồi, chỉ cần cái thùng chứa canxi không bị rò hoặc rò rỉ rất ít, nó đương nhiên sẽ đầy, và đương nhiên sẽ không bị thiếu canxi. Lấp kín lỗ rò ở đây chính là tăng cường cái lực phong tàng của thận, tăng cường quá trình hấp thu tiêu hóa của hệ tiêu hóa. Có như vậy, hiệu quả điều trị mới mỹ mãn. Đây chính là phương châm “trị bệnh tất cầu kỳ bản” của phòng khám Chân Như.
Một vài thực phẩm chứa nhiều canxi có thể kể đến như: các loại sữa như sữa chua, sữa đậu nành, phomai làm từ sữa tươi nguyên kem, cá ăn cả xương nếu đã được kho nhừ, hỗn hợp nước hầm xương, các loại hạt như hạt vừng, hạnh nhân, các loại ngũ cốc, các loại rau lá xanh như bông cải xanh, cải xoăn, cải xoong…..
Trên lâm sàng, đối với những bệnh nhân thiếu canxi bị chuột rút ở phòng khám Chân Như, ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, mọi người có thể dùng bài thuốc sau:
Thược dược 12-20g
Cam thảo 5-10g
Dâm dương hoắc 15-20g
Tiểu thân cân thảo 15-20g
Ý dĩ nhân 12g
Ngưu tất 12g
(Liều lượng linh hoạt điều chỉnh theo thể trạng bệnh nhân).
Bệnh nhân bị chuột rút chân, dùng bài thuốc này mười phần chắc chín, tùy thể trạng mà gia giảm thêm mà thôi. Tuy chỉ có sáu vị nhưng vừa cân nhắc cả tâm bệnh lẫn thân bệnh, vừa toan cam hoãn cấp buông lỏng tâm tình, vừa trừ thấp, lại vừa ôn kinh bổ thận. Sau khi bệnh tình hết có thể cho bệnh nhân dùng thêm Lục Vị Địa Hoàng Hoàn để củng cố hiệu quả điều trị. Lục vị bổ can thận, chính là chữa thẳng vào gốc bệnh của căn bệnh này.
Nếu như mọi người không muốn dùng thuốc, có thể làm sữa hạt uống mỗi ngày. Lấy 1 lạng đậu đen và 4 quả óc chó, cho vào máy làm sữa hạt. Mỗi buổi sáng uống 1 cốc, liên tục uống như thế trong 1 thời gian, thận vừa tốt lên mà thấp tà trong cơ thể cũng sẽ giảm sút rất nhiều, lưng mỏi chân yếu, chân chuột rút tự nhiên sẽ tốt.
Đôi điều chia sẻ tới mọi người, chúc mọi người ngày mới an lạc.
Bài trước