Thiếu máu thiếu sắt có thực sự là do thiếu sắt, thiếu sắt có phải là do chế độ ăn không đủ sắt?
Nhiều người vẫn luôn mặc định rằng thiếu máu là thiếu sắt hoặc thiếu sắt là do chế độ ăn thiếu sắt. Hễ cứ thấy người mệt, sắc mặt nhợt, hay hoa mắt chóng mặt,…. là nghĩ luôn đến bản thân đang thiếu máu liền đi mua viên uống sắt để bổ máu, viên tăng cường tuần hoàn não để uống, hoặc có khi đi uống thuốc đông y bổ huyết? Nhưng uống vào thời gian đầu có thể thấy hiệu quả, nhưng thời gian sau lại không thấy hiệu quả nữa là tại sao? Để giải thích câu hỏi này chúng ta sẽ đi tìm hiểu sắt có vai trò gì, nguồn cung cấp sắt chủ yếu là ở đâu và sắt được hấp thu thế nào, dự trữ ra làm sao nhé.
Đầu tiên, khi nói đến vai trò của sắt thì chúng ta cần phải biết rằng sắt có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Sắt tham gia vào quá trình tạo hồng cầu của cơ thể, tạo ra sắc đỏ của máu. Sắt có vai trò hỗ trợ cho quá trình tổng hợp hemoglobin và myoglobin. Trong đó, hemoglobin làm nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các tế bào và myoglobin đóng vai trò dự trữ oxy cho cơ thể. Bên cạnh đó, sắt còn đóng vai trò nhân tố tạo thành nhân tế bào và các enzim xúc tác quan trọng, thúc đẩy hệ miễn dịch. Ngoài ra còn giúp cho trẻ em phát triển một cách khỏe mạnh, làm giảm cơn đau bụng kinh, giảm sự mệt mỏi, giải phóng năng lượng,…Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Có thể nói rằng, sắt rất quan trọng với cơ thể của chúng ta.
Vậy, nguồn cung cấp sắt cho cơ thể bắt nguồn từ đâu? Rất đơn giản, nguồn sắt để tạo máu cho cơ thể có trong thực phẩm mà chúng ta ăn uống hàng ngày, kể cả trong những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hay thực vật. Tuy nhiên, sắt có nguồn gốc từ động vật thì sẽ dễ dàng hấp thu hơn sắt có nguồn gốc từ thực vật. Khẩu phần ăn bình thường đủ chất dinh dưỡng thì hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu sắt của cơ thể (trừ những trường hợp nhu cầu sắt tăng cao như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ đang lớn…). Một vài thực phẩm có chứa nhiều sắt có thể kể đến như: các loại đậu đỗ, trứng, thịt và gan, rau có màu xanh thẫm, các loại hạt có dầu,….. Ngoài ra để sắt hấp thu tốt hơn chúng ta nên ăn trái cây chua giàu vitamin C để giúp có thể hấp thu sắt được tốt hơn.
Và quá trình cơ thể hấp thụ sắt được bắt đầu ở dạ dày nhưng đa số diễn ra ở hành tá tràng và ít hơn ở đoạn đầu ruột non. Để cơ thể hấp thụ được, sắt từ dạng ferric Fe3+ sẽ thành dạng ferrous Fe2+.
Vậy, có những nguyên nhân gì dẫn tới tình trạng cơ thể thiếu sắt.
Đầu tiên, như đã nói ở trên, sắt được hấp thu chủ yếu ở hành tá tràng. Chính vì vậy mà các bệnh lý liên quan đến tá tràng như viêm loét dạ dày tá tràng,…. sẽ làm ảnh hưởng tới việc tá tràng hấp thu sắt, từ đấy gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Bên cạnh đó, sau khi sắt được hấp thu ở tá tràng, sẽ được đưa vào hệ tuần hoàn để tham gia tạo hồng cầu (máu), phần còn dư sẽ được dự trữ ở các đại thực bào và tủy xương. Vậy đại thực bào là gì? Đại thực bào là các tế bào có chức năng miễn dịch, khi cơ thể có các yếu tố gây bệnh điển hình như vi khuẩn, lập tức các đại thực bào sẽ tìm đến và tiêu diệt chúng. Ngoài chức năng này ra đại thực bào còn có 1 chức năng nữa, là khi cơ thể xuất hiện vi khuẩn hoặc các yếu tố gây viêm thì đại thực bào sẽ bắt giữ sắt trong hệ tuần hoàn, làm vi khuẩn không sử dụng được sắt, từ đó ức chế sự phát triển của vi khuẩn (hiểu đơn giản sắt là thức ăn của vi khuẩn). Vì sắt đã bị đại thực bào bắt giữ nên sắt không được sử dụng để tạo hồng cầu mà gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ. Trường hợp này hay gặp ở các bệnh nhân bị viêm mãn tính như viêm dạ dày mãn tính, lao, viêm khớp dạng thấp, viêm gan mạn,….
Ngoài ra, còn có 1 thói quen sinh hoạt ảnh hưởng không tốt đến việc hấp thu sắt rất nhiều người mắc phải mà ít ai biết đến, đó là thói quen uống trà đặc. Tại sao uống trà đặc lại ảnh hưởng tới việc hấp thu sắt? Bởi vì trong trà chứa Tanin, chất Tanin này sẽ kết hợp với ion sắt trong thực phẩm mà chúng ta ăn vào để tạo thành kết tủa, từ đấy ảnh hưởng tới quá trình hấp thu sắt của cơ thể, cuối cùng gây nên thiếu máu thiếu sắt.
Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân chuyên sâu khác gây thiếu máu thiếu sắt, nhưng mình sẽ không đề cập tại đây.
Từ những yếu tố trên, chúng ta có thể rút ra một số điểm sau:
Thứ nhất, khẩu phần ăn liệu có ảnh hưởng tới tình trạng thiếu sắt. Câu trả lời là có. Nhưng mà, quan điểm này chỉ phù hợp với thời xưa. Thực tế thì xã hội ngày càng phát triển, điều kiện kinh tế của mọi người cũng dần được cải thiện, trước đây có thể chỉ mong muốn đủ ăn đủ mặc thì thời nay đã chuyển thành ăn sung mặc sướng rồi. Chính vì vậy mà thời đại ngày nay, trong khẩu phần ăn hằng ngày hoàn toàn có thể cung cấp đủ lượng sắt với nhu cầu sử dụng của cơ thể. Giờ ăn nào cũng có thịt, cá, rau,…thì không có lý gì mà cơ thể vẫn thiếu sắt được.
Thứ hai, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thiếu sắt: hoặc là thiếu cung cấp sắt, hoặc là cung cấp đủ nhưng cơ thể lại không hấp thu được (nguyên nhân có thể do rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, thói quen uống trà đặc…), hoặc là cung cấp đủ nhưng cơ thể không sử dụng được như trong các bệnh lý viêm mãn tính đại thực bào bắt giữ sắt kể trên,…. Chính vì thế chúng ta phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt, chứ không thể bổ sung sắt một cách bừa bãi được. Thói quen xấu thì thay đổi thói quen, viêm loét dạ dày thì điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý viêm mạn tính thì điều trị các bệnh lý viêm mãn tính…. Bằng không một đằng cứ kiên trì bổ sung sắt, một đằng thì sắt cứ rò rỉ ra ngoài, thì không khác gì đổ nước vào cái thùng không đáy cả. Tìm ra gốc rễ vấn đề để điều trị chính là phương châm “Trị Bệnh Tất Cầu Kỳ Bản” của Phòng Khám Chân Như.
Sắt có tác dụng rất quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu (máu), nhưng chúng ta cũng cần phải biết tác hại của việc bổ sung dư thừa sắt để mà tránh. Có rất nhiều bệnh nhân từng đến phòng khám Chân Như, họ nói rằng bị thiếu máu và đang uống bổ sung sắt, nhưng sau khi uống lại xuất hiện tình trạng táo bón. Đó là tác dụng phụ của việc uống viên sắt. Ngoài ra, dư thừa sắt còn gây ra tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chính vì thế mà chúng ta chỉ nên bổ sung sắt khi thực sự cần thiết nhé. Bổ sung sắt hãy tìm đến sắt có nguồn gốc thực phẩm trước khi tìm đến các viên uống bổ sung sắt nhé, cái gì tự nhiên cũng tốt và dễ dàng hấp thu hơn mà.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt, ngoài điều chỉnh khẩu phần ăn, mọi người có thể dùng bài trà sau để pha trà uống hằng ngày: lấy 4 quả táo đỏ + 15 hạt kỷ tử + vài lát gừng tươi (có thể cho hoặc không), hãm trà uống (tuỳ khẩu vị mà điểu chỉnh liều lượng phù hợp). Kỷ tử và táo đỏ là hai thực phẩm rất tốt để dưỡng huyết trong đông y, chúng ta có thể pha trà hoặc cũng có thể ăn trực tiếp.
Còn đối với dùng thuốc có thể dùng bài Tứ Vật Thang làm nền để điều trị, đây là bài thuốc kinh điển chuyên điều trị các bệnh về huyết, chỉ có bốn vị: Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Thục địa. Đương quy – thánh dược để bổ huyết, Xuyên khung thượng hành đầu mục, hạ hành huyết hải, không đâu không đến, lá yếu dược để hành huyết. Bạch thược, Thục địa tư âm dưỡng huyết. Tuỳ thể trạng mà gia giảm, mọi người nếu dùng nên tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc.
Đôi điều chia sẻ với mọi người. Mùng 1 đầu tháng chúc cả nhà tháng mới an lạc.