(Tặng mọi người bài tập dưỡng sinh hay nhất để điều trị bách bệnh, kéo dài tuổi thọ)
Trong cơ thể chúng ta có hai nguồn năng lượng, đó chính là dương khí và âm huyết. Nếu ai thường xuyên đọc các bài viết của mình chắc đã biết đến tầm quan trọng của dương khí rồi. Vậy còn âm huyết thì sao. Nhân tiện có bạn nhắn tin hỏi mình người âm hư hay bị nóng trong có cách nào để điều trị không, nay xin được viết một bài chia sẻ với mọi người.
Thiên nhất sinh thủy, gọi là chân âm. Chân âm có công dụng nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng, bì phu lông tóc mà khiến thân thể được đầy đặn, khỏe mạnh. Những người nào thể trạng gầy không béo được đa số là do âm hư. Chúng ta có thể hiểu đơn giản, dương khí là năng lượng vô hình, âm huyết là hữu hình-tức thân thể vật chất. Âm hư tức thân thể hữu hình bị hư, người sẽ gầy gò chứ không béo mập. Âm còn là nguồn gốc của dương nương tựa vào mà đi khắp toàn thân.
Nếu như chân âm bị hư suy, thì dĩ nhiên âm không chế được dương, thủy không chế được hỏa nữa mà khiến cho tâm hỏa vượng mà sinh ra các chứng: nóng trong, khó ngủ, táo phiền, họng khô, miệng khát, người dễ bực tức. Hỏa vượng mà khắc phế kim mà sinh ra các chứng ho khan. </br>
Âm hư lâu ngày liên lụy tới dương thì dẫn tới âm dương lưỡng hư, lúc này chữa bệnh sẽ rất khó, bổ âm quá thì nê trệ, bổ dương quá lại bị nóng trong, bách bệnh sinh ra từ đây. Nên cũng có thể nói không ngoa rằng trăm bệnh sinh ra từ âm hư.
Nay xin được chia sẻ với mọi người một bài tập đơn giản để chữa chứng âm hư này. Và có thể nói rằng đây là bài tập hay nhất và tuyệt vời nhất để trị chứng này, khó có bài tập nào vượt qua được nó. Nó không chỉ trị âm hư mà còn có tác dụng bảo vệ cơ thể, phòng chống âm hư, làm đẹp da, sáng mắt, trị thận yếu,…Nó hay tới mức mà tác giả Ngô Thừa Ân trong Tây Du Ký cũng phải dùng một “hồi” trong tác phẩm để nói về phương pháp bổ âm với mục đích dưỡng sinh tăng cường sức khỏe này.
Nếu ai đã đọc và xem Tây Du Ký chắc là nhớ rõ 1 chi tiết, khi đến núi Vạn Thọ, trên núi có Ngũ Trang đạo quán, là nơi cư ngụ của Trấn Nguyên đại tiên. Nơi đây có một cây tiên quý, sinh ra từ khi càn khôn còn hỗn độn, trời đất còn mờ mịt chưa phân. Khắp tứ đại bộ châu trong thiên hạ thì chỉ có Ngũ Trang quán ở Tây Ngưu hạ châu là sản sinh ra cây ấy, có tên là “Vạn Thọ thảo hoàn đơn”, cũng gọi là “Nhân sâm quả”.
Vậy cây nhân sâm này quý hiếm như thế nào? Kể rằng:
“Một thân cây cổ thụ cực to, cành xanh thơm ngát, lá biếc um tùm, lá trông từa tựa lá chuối, dựng đứng cao hơn nghìn thước, gốc to đến bảy tám ôm. Hành Giả tựa vào gốc cây nhìn lên, thấy cành phía nam lấp ló một quả sâm rất giống đứa trẻ, cuống quả dính vào ngọn cây, chân tay đung đưa, đầu mặt gật gù, gió thổi qua kẽ lá như tiếng trẻ kêu.”
“Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn (10.000) năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Hình dáng quả này tựa như trẻ mới sinh chưa đầy ba ngày, tứ chi hoàn toàn, ngũ quan đủ cả”.
Và lạ thay, thứ quả nhân sâm này lại rất kỵ ngũ hành, nghĩa là phải chịu cảnh ngũ hành tương khắc. Trong truyện có nói rõ chỗ ngũ hành tương khắc như sau:
“Quả này gặp Kim thì rụng, gặp Mộc thì khô, gặp Thủy thì hóa, gặp Hỏa thì héo, gặp Thổ thì nhập. Hái quả phải dùng đồ kim khí mới rụng được, rụng rồi phải đựng trong một cái khay lót vải, nếu không chạm vào gỗ là khô ngay, ăn vào cũng vô ích không thể kéo dài tuổi thọ được. Muốn ăn phải đựng vào đồ gốm, chiêu với nước trong. Quả này gặp Hỏa là héo, vô dụng, gặp Thổ là chui vào đất.”
Lại nói:
“Người nào có phúc được ngửi quả ấy một lần, sẽ sống được ba trăm sáu mươi tuổi; ăn một quả, sống mãi bốn vạn bảy nghìn (47.000) năm”.
Và trong truyện, khi cây nhân sâm bị Tôn Ngộ Không đánh ngã thì không có cách gì cứu được, duy chỉ có nước cam lồ của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là có thể cứu sống được cây nhân sâm. Chi tiết này muốn gửi gắm cho chúng ta điều gì.
Thật ra muốn hiểu được chi tiết này thì chúng ta phải có chút kiến thức về Phật giáo và Đạo Lão. Ở đây tác giả Ngô Thừa Ân đã rất khéo léo khi lấy hình ảnh cây nhân sâm mà ẩn dụ nói về công phu tu hành và dưỡng sinh của người tu đạo.
Đầu tiên, hãy nói về cây nhân sâm này trước. Người học đông y đều biết rằng không có cây nhân sâm nào to như đại thụ, lá không như lá chuối, và rõ ràng là không có trái nhân sâm nào đong đưa trên cành chờ hái, mà chỉ có củ nhân sâm nằm dưới đất chờ đào lên mới lấy được. Chúng ta hãy để ý, ở đây tác giả Ngô Thừa Ân đã tưởng tượng ra cây nhân sâm này, miêu tả ngược lại so với thực tế. Tức là sao? Tức là biến củ thành trái, biến rễ thành quả, tức là đem cái dưới đất mà đặt lên ngọn cây. Điều này có nghĩa là gì, chính là nghịch chuyển, nghịch hành. Nhớ kĩ 1 chữ NGHỊCH này.
Và ở đây, cây nhân sâm được tác giả nói ẩn dụ một cách rất khéo léo. Quả nhân sâm còn có tên là “thảo hoàn đơn”, “đơn” hay “đan (dược)” sẽ gợi mở cho chúng ta cách luyện đơn (thiền) trong đạo Lão. Chính vì vậy mà trong truyện mới nói cây nhân sâm này 3000 năm mới nở hoa, 3000 năm mới kết quả, 3000 năm mới chín, tổng là 9000 năm. Số 9 ở đây chính là ám chỉ “cửu chuyển đơn thành”-một phương pháp tu luyện trong đạo gia.
Ở đây có hai cách gọi hoặc “nhân sâm” hoặc “thảo hoàn đơn”. Sự khác nhau ở đây là gì? Quả nhân sâm có hình như đứa bé mới sinh, ở đây nhân sâm tượng trung cho anh nhi, xích tử (tử-đứa trẻ; xích-màu đỏ; ở đây ý chỉ đứa bé mới sinh còn đỏ hỏn) hay chính là cái nguyên tinh nơi thân người. Nếu chúng ta sống theo chiều THUẬN, thì sống đời phàm tục, nam nữ phối hợp sẽ tạo ra phàm thai, sản sinh con cái. Đó là con đường TINH đi xuống dưới để bảo tồn giống nòi, đi xuống như cây nhân sâm bình thường mà cho củ dưới đất.
Nếu chúng ta tu hành theo Đạo Gia thì phải giữ thân thanh tịnh, tuyệt dục với mục đích giữ gìn nguyên tinh để tham thiền tịnh luyện, tạo thành thánh thai, trường sinh bất tử. Đó là đi ngược lại thói tục đời thường, đó là nghịch chuyển công phu, cho nên Tây Du Ký mới bảo cây nhân sâm trái mọc trên ngọn, lúc này sẽ được gọi “thảo hoàn đơn”.
Con người ta đa số chỉ biết THUẬN chứ ít ai biết NGHỊCH. Thuận là thuận theo tạo hóa. Tạo hóa là gì, là sinh nhân, sinh vật, sinh lão bệnh tử, luân hồi không ngừng. Nghịch là đi ngược với tạo hóa, là thành tiên, thành Phật, thọ cùng trời đất, cho nên trong truyện mới nói tới núi Vạn thọ-ý chỉ trường sinh bất tử. Người tu hành là người đi ngược với mọi người, mọi người thích sung sướng còn tôi thì không, mọi người thích quyền cao chức trọng còn tôi thì không, mọi người thích ôm vào của cải còn tôi thì không, tôi sẽ buông xả hết. Đó chính là đạo. Con đường tu luyện đắc đạo này rất khó, vì nó đi ngược dòng thế tục. Cho nên trong Tây Du Ký mới bảo gần mười ngàn năm mới ăn được quả nhân sâm này, tức ám chỉ công phu tu hành có thành tựu thật không dễ dàng, cần thời gian rất lâu.
Và ở đây nói nhân sâm kỵ ngũ hành thì là ám chỉ ngũ hành hậu thiên, ám chỉ thân xác con người. Sự chung đụng xác thịt chỉ có thể sinh ra phàm thai; chỉ có tuyệt dục giữ thân tâm thanh tịnh mới có thể tu luyện thành công, lúc này cây nhân sâm mới có thể cho ra “thảo hoàn đơn” trên “Ngũ Trang” đạo quán.Trang chính là trang nghiêm, ngũ là số 5. Ngũ trang tức là ngũ quan (mắt, tai, mũi, miệng, thân thể), ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) trang nghiêm trong sạch. Và lúc này lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không còn làm con người ta vọng tưởng điên đảo nữa thì lúc này thân xác ngũ hành biến đổi thành cõi thanh tịnh, trang nghiêm là “ngũ trang quán”.
Và khi cây nhân sâm này bị khô héo duy chỉ có nước cam lồ của đức Bồ Tát Quán Thế Âm mới có thể cứu sống được. Nếu cây nhân sâm là nguyên tinh thì nước cam lồ ở đây là gì. Đó chính là nước bọt của chúng ta.
Đạo gia có câu “âm dương quy nhất cam lồ thủy sanh”, khi chúng ta cong lưỡi chạm hàm ếch thì sẽ nối được hai mạch nhâm đốc. Mạch nhâm chạy phía trước ngực, chủ quản các đường kinh âm, mạch đốc chạy phía sau lưng, chủ quản các đường kinh dương, hai mạch này phân cách nhau nơi miệng. Nhâm là âm mà đốc là dương, khi chúng ta cong lưỡi lên thì lúc này hai mạch “âm dương quy nhất” sẽ sinh ra nước cam lồ, hay còn gọi nước hoa trì, kim tân ngọc dịch. Lúc cong lưỡi thế này chúng ta sẽ thấy nước bọt ứa ra sẽ có vị ngọt. Khi chúng ta nuốt loại nước này xuống thì có thể bồi bổ được Nguyên Tinh, Nguyên Khí (cây nhân sâm) của thân thể. Người nào thường nuốt nước này thì cực kì tốt cho thân thể. Nước cam lồ này sẽ phân bố đi khắp lục phủ tưới khắp ngũ tạng, tưới tiêu kinh lạc gân cốt. Tại tâm thì nó sẽ sinh huyết, tại can thì bổ can huyết mà làm sáng mắt, tại tỳ thì dưỡng thần, tại phế trợ khí mà tại thận lại sinh tinh.
Đấy, đọc đến đây mới thấy sự kì diệu của thứ nước cam lồ này, có thể bồi bồ vào nguyên tinh nguyên khí, là cái gốc của sinh mạng con người, lại có thể tẩm bổ lục phủ ngũ tạng, gân cơ xương khớp lông tóc, thực không thể nói hết tác dụng. Và bài này thông qua bổ chân thủy mà bổ được chân âm, nên mình mới nói là bài tập hay nhất để chữa âm hư. Người nào biết bài tập giúp sinh ra nước cam lồ này để nuôi dưỡng cơ thể và tập mỗi ngày thì ắt người đó sẽ sống thọ.
Cụ thể bài tập này là gì? Nay xin được chia sẻ với mọi người bài tập này.
Thời gian tập: khoảng sáng sớm lúc mới ngủ dậy,
Tư thế: ngồi yên tĩnh, nếu có thể ngồi kiết già hoặc bán già là tốt nhất, nếu không được thì ngồi xếp bằng bình thường. Lúc này chúng ta hãy cong lưỡi lên, lấy đầu lưỡi chống lên hàm ếch.
Quá trình: lúc này khi chúng ta cong lưỡi lên, chờ một lúc thì nước miếng (lúc này gọi nước cam lồ) sẽ tràn ra đầy miệng, lúc này chúng ta hít thở điều hòa, dồn ý xuống đan điền (dưới rốn khoảng 3 thốn), chia làm ba lần mà nuốt nước cam lồ xuống. Nuốt đủ chín lần như vậy là được.
Yêu cầu: tâm yên tĩnh không vọng tưởng.
Chỉ đơn giản như vậy thôi. Mỗi sáng dành ra chút thời gian để tập luyện thì không bài thuốc bổ âm nào có thể sánh bằng. Nếu kiên trì tập bài này kết hợp thêm vận động thân thể, thì âm dương điều hòa, bệnh tật gì mà chả đỡ. Đôi khi những thứ đơn giản nhất là những thứ ẩn chứa đạo lý sâu xa nhất.
Chúng ta có bao giờ tự suy nghĩ, vì sao tổ yến lại đắt và quý giá như vậy, trong khi tổ yến chỉ là nước bọt của yến đọng lại mà thành. Thân thể của chúng ta vốn đã có sẵn tổ yến thượng đẳng nhất rồi, đó chính là nước cam lồ ngay bên trong miệng chúng ta, thì cần gì phải quan tâm tổ yếu bên ngoài nữa. Lạ thay, con người ta cứ suốt ngày hướng ngoại mà cầu, chứ mấy ai hướng nội đâu. Chạy mãi chạy mãi, rồi cuối cùng đánh mất đi bản tâm của mình, vọng tâm điên đảo mà bệnh tật từ đó cũng sinh ra.
Đôi lời chia sẻ, hi vọng mọi người hiểu được. Đầu tháng, kính chúc mọi người tháng cuối cùng của năm Canh Tý sức khỏe dồi dào, thân tâm an lạc.
Bài viết được trích ra từ bài giảng của lớp Quan Thiên Ngộ Y Đạo, hoan nghênh mọi người copy chia sẻ, mình không giữ bản quyền.