Hà Nội, mấy hôm nay thời tiết bắt đầu trở nên oi bức, nóng nực hơn. Và đi kèm với sự thay đổi của thời tiết, lượng bệnh nhân bị đau nhức xương cũng tăng lên nhiều. Ngồi nhấp ngụm trà dưỡng can và xem lịch, thấy tiết Xuân phân đã cận kề, và chỉ còn hơn một tháng nữa là bước sang lập hạ. Nhân tiện sắp đến tiết khí đặc biệt, nên dành thời gian viết một bài phân tích về đạo dưỡng sinh mùa trong mùa Hạ.
Đã bao giờ bạn thắc mắc một điều rằng, tại sao vào mùa hạ, thời tiết nóng nực, nhưng chỉ cần chúng ta ăn chút đồ lạnh vào, rất dễ có hiện tượng đại tiện lỏng nát, trong khi mùa đông thì không?
Và tại sao nước giếng mùa hè sẽ rất mát, còn mùa đông lại rất ấm? Cái này những ai ở miền quê thường xuyên dùng nước giếng để sinh hoạt là hiểu rõ nhất. Nhưng tại sao lại có hiện tượng như vậy thì mình tin chắc rất ít người biết.
Sở dĩ có hiện tượng như vậy, chính là do vạn vật đều chịu ảnh hưởng bởi sự thăng giáng khí cơ của thiên địa. Khí cơ của thiên địa thăng giáng theo quy luật nào? Chính là theo quy luật: xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng. Thực tế, để phân tích quy luật này, dù chỉ có tám chữ nhưng mình tin chắc để nói hết được nó thì cả ngày cũng không thể nào hết được. Bởi vì tám chữ nhưng lại cô đọng và bao hàm rất nhiều đạo lý ở trong ấy. Ứng dụng vào dưỡng sinh, y học, nông nghiệp rất nhiều.
Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng, đó là quy luật chung nhất. Từ quy luật chung này, người ta mở rộng ra thành 24 tiết khí, và vòng vận chuyển 24 tiết khí, chính là vòng vận chuyển khí cơ của thiên địa. Nắm vững được 24 tiết khí thì gần như sẽ hiểu được sự biến hóa của thời tiết và sự biến hóa khí cơ nơi nhân thân. Trong phạm trù bài viết này, Bình sẽ không đi sâu phân tích 24 tiết khí, vì nó rất dài, mà chỉ nói ở khía cạnh dưỡng sinh, nhất là trong mùa hạ sắp tới.
Thiên nhân tương ứng, thân thể của chúng ta có dương khí thì dĩ nhiên thiên địa cũng sẽ có dương khí. Dương khí của thiên địa chính là ánh nắng mặt trời chiếu xạ xuống mặt đất, và nó chính là một dạng năng lượng, thúc đẩy vạn vật hóa sinh, sinh trưởng. Và dương khí này sẽ vận hành theo quy luật nào? Nói về vận hành thì chỉ có hai từ: thăng và giáng (lên và xuống). Còn nói về quy luật, cũng rất đơn giản, chính là thăng lên vào hai mùa xuân hạ, giáng xuống vào hai mùa thu đông.
Mùa xuân, dương khí từ trong lòng đất bắt đầu thượng thăng đi lên, thời tiết bắt đầu từ lạnh chuyển ấm. Dương khí cứ thăng lên như vậy mà làm thành mùa hè, lúc này thời tiết cũng bắt đầu từ ấm chuyển thành nóng. Khi thăng đến trình độ nhất định thì dương cực mà âm sinh, dương khí bắt đầu giáng xuống, từ mùa hạ bắt đầu chuyển qua mùa thu, thời tiết mát mẻ dần. Và khi giáng xuống đến mặt đất rồi chìm vào mặt đất để bế tàng thì bước vào mùa đông, thời tiết biến thành lạnh lẽo. Thăng giáng đủ một vòng như vậy mà thành một năm. Năm sau lại theo quy luật này, cứ thế tiếp diễn. Đấy là quy luật chung, từ quy luật chung này, chúng ta hãy cùng nhau phân tích để có thể ứng dụng vào dưỡng sinh.
Nói về mùa xuân, chủ sinh, dương khí từ trong lòng đất thăng phát đi lên, vạn vật ứng theo thế thăng phát này của dương khí mà đua nhau phát triển, cây con thì nảy mầm vươn mình lên khỏi mặt đất, cây to thì đâm chồi nảy lộc, tất cả đều vươn mình lên bầu trời mà phát triển. Sau khi dương khí từ trong lòng đất thăng phát khỏi mặt đất và tiếp tục thượng thăng đi lên phía trên nữa, thì lúc này bắt đầu chuyển qua mùa hạ. Lúc này thời tiết có một đặc điểm: phía trên bầu trời thì nóng nực, còn phía dưới mặt đất lại mát mẻ. Tại sao lại vậy? Bởi vì lúc này dương khí đã từ trong mặt đất mà thăng hết lên phía trên, dẫn tới phía trên bầu trời thì dương khí nhiều mà dưới mặt đất dương khí ít, nơi nào dương khí nhiều thì nóng, mà nơi nào dương khí ít thì sẽ lạnh. Và đây cũng chính là lí do, vì sao nước giếng mùa hè lại mát lạnh hơn so với mùa đông.
Thiên nhân tương ứng, thiên địa như thế nào thì cơ thể chúng ta cũng y như vậy. Cơ thể chúng ta được chia làm ba phần từ trên xuống dưới: thượng tiêu (phần ngực đi lên phía trên), hạ tiêu (từ rốn đi xuống chân), trung tiêu (giữa hai khoảng thượng tiêu và trung tiêu). Vào mùa hè, dương khí trong cơ thể cũng sẽ ứng thep quy luật này mà bắt đầu thăng xuất ra phần biểu (bên ngoài của cơ thể) và phần phía trên thượng tiêu nhiều. Lúc này cơ thể chúng ta sẽ có một hiện tượng, thượng thực mà hạ hư. Thượng ở đây chỉ thượng tiêu, do nhiều dương khí nên thực, chính vì vậy mà trong lồng ngực thường xuyên có cảm giác nóng nực, phiền táo, miệng khô khát khó chịu. Hạ hư, hạ là chỉ hạ tiêu, hư là chỉ dương khí ít đi.
Thượng tiêu thực, luôn cảm giác nóng bức, khô khát, chính vì vậy mà lúc này chúng ta có cảm giác muốn ăn hoặc uống những thực phẩm có tính hàn lương. Thực phẩm hàn lương ăn vào có thể thanh nhiệt vùng thượng tiêu, cho nên lúc này chúng ta cảm giác thân thể rất dễ chịu. Thử nghĩ mà xem, mùa hè nóng nực, nóng trong người, uống một lon nước ngọt lấy từ tủ lạnh ra, thích khỏi bàn luôn. Mùa hè nhiều người còn nghiện ăn hoa quả, uống trà chanh, trà sữa, nước mát chứ không phải là thích nữa. Nhưng mà, mọi chuyện không có đơn giản như vậy. Chúng ta đang quên mất một điều, mùa hè thì nhân thể chúng ta ở thế thượng thực mà hạ hư. Chúng ta đang nói thượng thực, mà chưa nói đến hạ hư. Phía dưới, là nơi cư ngụ của tỳ thận, lúc này dương khí đã thượng thăng lên phía trên thượng tiêu, hạ tiêu lúc này rất ít dương khí. Nếu lúc này chúng ta ăn uống những thực phẩm tính hàn lương thì sẽ ra sao. Thì phía trên vùng thượng tiêu có thể sẽ dễ chịu nhưng phần phía dưới nay đã hư lại càng hư thêm. Tại sao lại hư? Vì đồ lạnh hại dương khí, nay dương khí nơi tỳ thận đã ít, ăn đồ lạnh vào thì không hư sao được. Và từ đây, một vòng tuần hoàn đáng sợ ra đời.
Đó là vùng thượng tiêu khô nóng thì sẽ thích ăn đồ mát, ăn đồ mát vào thì vùng thượng tiêu dễ chịu, vùng thượng tiêu dễ chịu nhưng vùng hạ tiêu tỳ thận lại càng ngày càng yếu, dương khí càng ngày càng bị hư. Một hai ngày không sao, nhưng cái đáng sợ là nó không biểu hiện triệu chứng ra ngay, cứ tích tụ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Đến khi dương khí nơi tỳ thận hư đến mức độ nghiêm trọng nhất định rồi mới bắt đầu biểu hiện ra những vấn đề bệnh lý, lúc này thì đã muộn, phục hồi dương khí nơi tỳ thận rất khó khăn.
Đấy là còn chưa kể, thời đại này con người chúng ta công việc thường xuyên phải sử dụng trí óc, ít vận động thân thể, nên càng tạo thêm cái thế khí huyết thượng vượt lên phía trên, càng gia tăng thêm tình trạng thượng thực hạ hư này. Lâu dần sẽ dẫn đến hình thành thể trạng thượng nhiệt hạ hàn. Thượng nhiệt nên dễ cáu gắt tức giận, khó ngủ, dễ viêm họng, khô khát. Hạ hàn nên tay chân lạnh, tử cung lạnh. Khí huyết cứ thượng vượt đi lên, không đi xuống thì ở phụ nữ lại dễ dàng rối loạn kinh nguyệt, hiếm muộn khó mang thai. Thật sự triệu chứng nhiều không nói hết.
Đấy, mọi người đã thấy chưa, khí cơ thiên địa luôn luôn biến chuyển theo quy luật của nó, nếu chúng ta không hiểu được quy luật này để điều chỉnh chế độ dưỡng sinh ăn uống cho phù hợp mà sinh hoạt sai với quy luật này, khiến khí cơ nghịch loạn thì ắt bệnh tật sẽ sinh ra. Mà một điều oái oăm là chúng ta sẽ không bao giờ có thể nghĩ tới, nguyên nhân sinh ra bệnh lại nằm ngay ở chế độ sinh hoạt hằng ngày mà ra, do sự thiếu hiểu biết mà ra.
Vậy, vào mùa hạ, chúng ta cần phải dưỡng sinh như thế nào cho phù hợp. Vào mùa hạ, khí cơ nơi nhân thân thượng thực hạ hư, dù thượng tiêu hỏa thịnh nhưng mà hạ tiêu dương khí đang hư, chính vì vậy mà chúng ta phải nên biết mà dưỡng lại cái hư này. Dưỡng bằng cách nào? Bằng cách hạn chế tiêu hao nó, tránh ăn uống những thực phẩm có tính hàn lương. Có thể ăn một xíu để thanh cái nhiệt ở thượng tiêu, nhưng tuyệt đối không nên ăn quá nhiều. Ăn nhiều có thể có cảm giác dễ chịu tức thời, nhưng mà thực sự về lâu về dài, tiềm ẩn hậu họa khôn lường.
Thứ hai, đã là thế thượng thực hạ hư thì chúng ta nên dùng pháp hòa mà điều hòa lại. Bằng cách nào, bằng cách dẫn khí huyết từ phần trên thượng tiêu đi xuống phần dưới hạ tiêu. Phương pháp rất đơn giản, ví dụ như đi bộ hoặc đá bóng, tập những môn thể dục dùng chân nhiều; hoặc tập bài tập đứng một chân mình từng đăng lên facebook; hoặc hành thiền quán ý xuống chân. Dùng cách nào cũng được cả.
Thứ ba, hai mùa xuân hạ chủ sinh, vạn vật vươn mình phát triển, thuận theo cái thế sinh trưởng ấy, chúng ta nên thức dậy sớm, đi bộ nhẹ nhàng, vừa đi vừa giữ tâm được thanh tịnh, để cho can khí được điều đạt, hạn chế không nên tức giận thì sẽ ứng hợp với hạ khí, với đạo dưỡng trưởng.
Chỉ từ câu nói “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng” mà có thể giải thích được rất nhiều sự vật hiện tượng xung quanh chúng ta. Đến đây thì chúng ta đã hiểu, tại sao vào mùa hè nóng nực mà dễ xuất hiện triệu chứng đi tả rồi chứ. Vì thượng thực hạ hư, ngoại thực nội hư, dương khí thượng vượt ra ngoài hết rồi nên bên trong không đủ mà vận hóa đồ ăn thức uống, từ đó mà gây nên bệnh.
Hay như tại sao thời tiết mấy hôm nay lại bắt đầu nóng hơn. Là do dương khí từ trong lòng đất bốc lên mà thôi. Trước tiết xuân phân thì lượng dương khí trong lòng đất nhiều hơn trên mặt đất, sau tiết xuân phân thì lượng dương khí trên mặt đất nhiều hơn trong lòng đất.
Những ai ở miền núi, đều sẽ thấy một hiện tượng, là vào mùa hè thì vào các hang động rất mát mẻ, nhưng vào mùa đông thì các hang động này lại rất ấm áp. Dùng quy luật trên, rất dễ dàng giải thích ra được, vẫn là do ảnh hưởng bởi sự thăng giáng của dương khí. Chúng ta hãy mở rộng tư duy ra, hãy nhìn mặt trời là tâm hỏa, bầu khí quyển là phế kim, còn các hang động là chính là tỳ thận, từ đây sẽ hiểu ra được rất nhiều điều. Và lúc này sẽ hiểu được câu nói “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm” trong Nội Kinh. Xuân hạ thời tiết nóng nực, vẫn cần dưỡng dương, nghe có vẻ vô lý nhưng mà khi phân tích ra lại rất hợp lý. Dưỡng dương ở đây là dưỡng dương của tỳ thận, chứ không phải dưỡng dương của tâm phế. Sinh mệnh của một cái cây đến từ gốc – bộ rễ, con người chúng ta cũng vậy, sinh mệnh của chúng ta cũng từ nơi tỳ thận mà ra, một cái chủ về tiên thiên, một cái chủ về hậu thiên. Tiên thiên hay hậu thiên mà bại, thì dù cho bệnh nhẹ cũng khó mà qua khỏi.
Đông y là vậy đấy mọi người ạ, pháp thiên tượng địa, nhìn những sự vật hiện tượng nơi thiên nhiên mà đi ngộ đạo hóa sinh nơi thân người. Khi chúng ta ngộ được rồi, nhìn đâu cũng thấy một hiện tượng, vạn vật vạn sự trên đời đều đang nói pháp. Chỉ tiếc là chúng ta cứ mãi chạy theo dục vọng bên ngoài nên không cảm nhận được vẻ đẹp của nó mà thôi. Nếu chúng ta giữ được tâm yên tĩnh, chúng ta sẽ thấy được sự kì diệu của thế giới này, từ đấy mà hiểu ra được rất nhiều thứ.
Bài viết không giữ bản quyền, hoan nghênh copy chia sẻ.