Một điểm đặc sắc của đông y đó chính là tinh thần “trị vị bệnh” – tức chữa bệnh từ khi chưa hình thành. Nội Kinh viết: “Bậc thánh y không chờ khi bệnh hình thành rồi mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa phát bệnh. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng quá muộn sao?” Do chủ trương “trị vị bệnh” nên Đông y rất coi trọng dưỡng sinh – nâng cao “chính khí”, chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm (Chính khí tồn nội, tà bất khả can). Trong sách Nội kinh, dưỡng sinh được đặt vào vị trí tối cao, còn trị liệu chỉ được xem là biện pháp ở bình diện thấp. Nhân dịp sắp tới tiết Hạ chí, hôm nay Bình sẽ viết một bài chia sẻ cho mọi người về cách dưỡng sinh trong tiết khí này.
Đầu tiên, trước khi đi vào nội dung chính là dưỡng sinh thì chúng ta cần phải hiểu tiết khí là gì và hạ chí là gì. Tiết khí là một danh từ thường dùng trong âm lịch, một năm có 24 tiết khí, mỗi tháng có 2 tiết khí, vậy 12 tháng sẽ có tổng cộng 24 tiết khí. Và hạ chí là một tiết khí trong năm thuộc phạm trù của 24 tiết khí. Ở đây mình sẽ không đi sâu phân tích 24 tiết khí, vì thực sự lượng kiến thức quá nhiều và ứng dụng của nó là quá lớn. Ở đây mình chỉ phân tích tiết hạ chí và ứng dụng vào dưỡng sinh.
Một năm sẽ có 4 mùa, xuân hạ thu đông, mỗi mùa sẽ có một thời tiết khác nhau. Sở dĩ có sự khác nhau giữa thời tiết 4 mùa chính là do sự thăng giáng khí cơ của thiên địa mỗi mùa một khác. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng. Mùa xuân dương khí thượng thăng, vạn vật sinh sôi; mùa hạ dương khí phù, vạn vật trưởng; mùa thu dương khí giáng, vạn vật thu liễm; mùa đông dương khí trầm, vạn vật tàng. Đó là quy luật vận hành xưa nay của trời đất. Hai mùa xuân hạ dương khí thượng thăng, thăng đến cùng cực thì giáng xuống, thời tiết từ đây chuyển từ xuân hạ sang thu đông, giáng xuống cùng cực lại thăng lên, thời tiết từ thu đông lại sang xuân hạ, và nó cứ tiếp diễn mãi mãi như vậy, như một vòng tròn không có đầu mối.
Tiết khí hạ chí là một tiết khí rất đặc biệt. Đầu tiên chúng ta hãy thử phân tích một chút về ý nghĩa của hai chữ hạ chí. Hạ là mùa hạ, chí là cùng cực. Hạ chí nghĩa là thời điểm dương khí mùa hạ thăng phù đến cùng cực. Đạo lý thiên địa, vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản, dương cực thì âm sinh, khi dương khí thăng đến cùng cực thì ắt phải giáng xuống mà âm khí sinh ra. Cho nên tiết hạ chí là thời điểm đánh dấu dương khí thăng phát lên đến cùng cực và chuẩn bị giáng xuống để chuyển qua mùa thu. Lúc này dương khí bắt đầu suy dần và âm khí bắt đầu thịnh dần.
Thiên nhân hợp nhất, cơ thể của chúng ta là một tiểu vũ trụ, luôn luôn có sự tương ứng với đại vũ trụ bên ngoài. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng, ngoài thiên nhiên vũ trụ thế nào thì trong cơ thể chúng ta cũng y như vậy. Vào mùa hạ, dương khí trong cơ thể thăng phù đi lên, và đến thời điểm hạ chí, dương thăng cùng cực lại chuẩn bị giáng xuống. Lúc này mặc dù thời tiết bên ngoài rất nóng nực, nhưng sâu trong cơ thể chúng ta dương khí bắt đầu yếu đi và âm khí bắt đầu lớn mạnh. Và âm khí này nó cứ lớn dần lên, qua mùa thu sang đông là đến thời điểm âm khí cực thịnh và dương khí cực kì yếu ớt.
Và cũng theo đông y, nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh ở mùa đông chính là do dương hư gây nên. Dương hư tức chỉ dương khí hư, không đủ để cân bằng với âm khí, khiến âm khí thiên thắng mà âm hàn nội sinh. Ngoài ra dương hư nên lúc này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàn khí, phong khí từ bên ngoài xâm nhập vào mà gây nên bệnh tật. Nhất là các đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ, những người thể trạng dương hư, đau nhức xương khớp,…
Chính vì vậy sau tiết Hạ chí chúng ta tiến hành bồi bổ cho phần dương khí thiếu hụt, khiến cho nó luôn lớn mạnh thì sang thu đông dương khí có thể chế ngự được khí âm hàn. Dương được vững mạnh thì bên trong có thể ôn ấm tạng phủ, bên ngoài vệ khí vững chắc mà phòng ngừa phong hàn tà xâm nhập, thật là nhất cử lưỡng tiện, bệnh tật mùa đông đâu còn dễ phát sinh. Đây chính là tinh thần trị bệnh khi chưa phát bệnh của đông y.
Vậy cách làm cụ thể như thế nào, làm sao để có thể dưỡng dương được, nay xin được chia sẻ với mọi người.
Sau tiết hạ chí, có ba thời điểm rất đặc biệt, được xưng là ngày tam phục, hay còn được gọi hạ chí tam canh, đây là những ngày mà nếu chúng ta bổi bổ dương khí cho cơ thể thì hiệu quả tăng lên gấp bội. Tam phục là ý chỉ ba ngày sơ phục, trung phục và mạt phục. Vậy cách tính ngày tam phục như thế nào. Rất đơn giản, ngày sơ phục là ngày canh thứ ba sau ngày hạ chí, ngày trung phục là canh thứ tư sau hạ chí và ngày mạt phục là ngày canh đầu tiên sau ngày lập thu.
Năm nay 2021 Tân Sửu, Hạ chí rơi vào ngày 21/6 dương lịch, ngày sơ phục rơi vào ngày 21/7, ngày trung phục rơi vào ngày 31/7 và mạt phục là 10/8 dương lịch.
Ở đây sẽ có hai cách để bồi bổ dương khí là cứu ngải và uống thuốc.
Về cứu ngải, mọi người có thể chọn các huyệt: quan nguyên, thần khuyết, khí hải, mệnh môn, mỗi huyệt cứu khoảng 15-20 phút.
Về dùng thuốc, mọi người có thể dùng các bài thuốc bổ dương như: Tứ quân, Bát vị hoàn, Bổ trung ích khí, Lý trung hoàn, Hữu quy hoàn, Thập bổ hoàn,… (Tùy theo thể trạng mà chọn các bài thuốc thích hợp, nên tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc).
Giải thích ngoài lề một chút ý nghĩa của ngày tam phục. Phục ở đây chính là hàng phục. Hàng phục ai? Chính là hàng phục dương nhiệt. Đạo lý của thiên địa, dương cực thì âm sinh, dương thăng lên cùng cực thì ắt phải giáng xuống. Nhưng mà tính dương vốn thăng lên, nay muốn nó giáng xuống cần phải “phục” nó. Đạo của thiên địa, chỉ e dương khí không giáng mà thôi. Dương khí mà giáng, thì âm dương giao hòa mà vạn vật sinh sôi, đó là tượng của quẻ Địa Thiên Thái. Dương khí không giáng, âm dương thiên địa không giao với nhau, đó là tượng của quẻ Thiên Địa Bĩ. Thân thể chúng ta cũng vậy, chỉ sợ dương khí không giáng mà thượng thăng quá mức, từ đấy làm nên chứng trạng thượng nhiệt hạ hàn, thủy hỏa không ký tế được, trăm thứ bệnh cũng từ đây mà sinh ra. Chính vì lẽ đó mà sau tiết Hạ chí dương khí đã giáng xuống luôn, không như tiết Đông chí, phải trải qua hai tiết Tiểu Hàn và Đại Hàn dương khí mới bắt đầu thượng thăng đi lên.
Và tại sao những ngày tam phục lại là những ngày Canh. Canh mang hành kim, kim khí chủ giáng. Cho nên những ngày này dương khí sẽ giáng xuống rất nhiều. Dương khí giáng xuống một phần thì âm khí thịnh một phần. Chính vì vậy mà vào những ngày này chúng ta cứu ngải hoặc uống thuốc để bổ sung cái dương bị mất đi kia. Ngoài ra tạng Phế chủ kim, các bệnh mùa đông thông thường ảnh hưởng trực tiếp tới tạng Phế, nên cổ nhân xưa chọn ngày Canh để tiến hành phòng bệnh từ mùa đông trước là vậy. Và thực tế cũng không nhất thiết phải vào ngày Canh, cứ sau tiết hạ chí tới Lập thu, mọi người cứ ứng dụng phương pháp trên đều được.
Bài viết được trích ra từ nội dung bài giảng của lớp Dưỡng Sinh Chân Như, do nội dung quá dài nên mình chỉ có thể trích một phần nhỏ liên quan đến tiết hạ chí, dẫn tới việc nhiều đoạn có thể sẽ hơi khó hiểu với mọi người (vì 24 tiết khí là một vận động chỉnh thể không thể tách rời). Mình đã cố gắng tóm lược một cách ngắn gọn dễ hiểu nhất, hi vọng mọi người đọc có thể hiểu được. Đôi lời chia sẻ, chúc mọi người ngày mới an lạc.
Bài viết không giữ bản quyền, hoan nghênh copy và chia sẻ để làm lợi lạc tới tất cả mọi người.